Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Cùng dự có đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội và Lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Nội vụ; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Tài chính; Kiểm toán Nhà nước...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” là một trong 4 chuyên đề được Quốc hội lựa chọn giám sát trong năm 2023 và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát. Theo chương trình, kết quả chuyên đề giám sát này sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 tới.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, với sự chỉ đạo sát sao của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đoàn giám sát đã triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề giám sát này, thực hiện khối lượng công việc rất lớn, rất công phu với chất liệu giám sát đến thời điểm này rất dày dặn.
Đoàn giám sát đã xây dựng 13 báo cáo chuyên đề rất công phu, trong đó có 3 chuyên đề được xây dựng thêm trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, dư luận xã hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri, nhân dân. Đây là điểm mới so với các Đoàn giám sát trước đây, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu của chuyên đề giám sát. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã rất nghiêm túc và trách nhiệm trong chuyên đề này. 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, 48 HĐND cấp tỉnh đã triển khai chuyên đề giám sát và báo cáo kết quả cho Đoàn giám sát.
Trên cơ sở dữ liệu giám sát và các ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trong đó, cần tiếp tục chắt lọc các nội dung thật đích đáng đưa vào dự thảo Nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện các kết luận giám sát cũng như giám sát việc thực hiện. Các đánh giá về kết quả thực hiện, các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải được định lượng cụ thể hơn, chỉ rõ đâu là tồn tại, hạn chế và đâu là vi phạm, sai phạm, trách nhiệm cụ thể như thế nào, từ đó xác định đúng, trúng những việc phải làm sau chuyên đề giám sát này.