Chương trình do Bộ Công an phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (4.10.1961 - 4.10.2023), 22 năm Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy (4.10.2001 - 4.10.2023).
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành... cùng hơn 120 điển hình tiên tiến và đại diện thân nhân 34 gia đình liệt sĩ trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn toàn quốc.
Trên mặt trận không tiếng súng, phẩm chất “vàng” của người chiến sỹ luôn tỏa sáng
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động được tham dự Chương trình biểu dương, tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp, những hành động dũng cảm, những thành tích xuất sắc của các lực lượng và nhân dân trong công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ và tưởng nhớ đồng bào bị nạn, tri ân những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã dũng cảm, hy sinh quên mình chữa cháy, cứu nạn thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các Văn kiện Đại hội Đảng đã xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”. Bảo đảm người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh là mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị; trong đó công tác phòng ngừa, ứng phó với cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những kết quả của công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ là một mặt trận không có tiếng súng, nhưng mỗi lần xung trận, những người lính Cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ luôn phải đối mặt với những hiểm nguy ảnh hưởng đến cả tính mạng. Nhưng vượt lên trên hết, với sự quả cảm, tinh thần chiến đấu anh dũng, các chiến sĩ không quản tính mạng, bất chấp mọi nguy hiểm lao vào ngọn lửa, lao vào dòng nước lũ, cứu người bị nạn và tài sản, tiêu biểu như: Đại úy Thái Ngô Hiếu, Công an tỉnh Đồng Nai lao mình xuống biển cứu 4 người bị đuối nước; Trung tá Nguyễn Chí Thành, Công an TP. Hồ Chí Minh tham gia giải cứu nạn nhân trong vụ sập dàn giáo…
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cảm phục và vô cùng đau xót khi có những đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ như: Đại úy Phạm Phi Long, Công an TP Hồ Chí Minh (trong vụ cháy nhà tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh); Thiếu úy Bùi Minh Quý, Công an tỉnh Gia Lai (trong vụ cứu người dân khi lũ dâng tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai); Đại úy Phạm Công Huy, Thượng sĩ Chử Văn Khánh, Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sỹ Nguyễn Đình Phúc, Công an Thành phố Hà Nội (trong vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) và nhiều tấm gương tiêu biểu khác.
“Sự hy sinh thầm lặng ấy cao đẹp như phẩm chất “vàng” của người chiến sỹ PCCC luôn tỏa sáng trước ngọn lửa, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản Nhân dân, tài sản của Nhà nước, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt, lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm quốc tế trong việc tham gia cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, được nước bạn và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, góp phần lan tỏa truyền thống “tương thân tương ái” cao đẹp của dân tộc Việt Nam ta", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Trong năm 2023, đã có 3 tập thể và 1 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cùng chung tay, chung sức với các lực lượng chức năng trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ có sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân. Tiêu biểu như: Đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ tự quản thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với tinh thần tự nguyện, nỗ lực hết mình tham gia PCCC, cứu nạn cứu hộ; trường hợp anh Nguyễn Hữu Đốn đã dũng cảm, hy sinh khi cứu người trong vụ cháy xảy ra tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa qua; đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angle với phương châm “cứu người là lẽ sống” đã cứu giúp hàng nghìn người gặp tai nạn, sự cố và gần đây đã góp phần cứu được nhiều người trong vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở chung cư mini phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội…
"Đây là những hành động hết sức cao đẹp, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quả cảm, truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ
Trong thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các chưng cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà dân vừa để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ và cơ sở tập trung đông người… Điều này đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cùng các cấp, các ngành phải tăng cường chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và rất khoa học đối với công tác này; tăng cường công tác PCCC trong cả nước như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thư gửi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Hà Nội gần đây.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, như: Kết luận 02-KL/TW ngày 18.5.2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC... Thường xuyên rà soát, kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn.
Hai là, phải hết sức coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, từ đó giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nhất là về con người, bảo vệ tính mạng của người dân chính là bảo vệ an ninh con người, là mục tiêu cao nhất của bảo vệ an ninh trật tự, phát triển đất nước; bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn PCCC cho từng cơ sở, từng khu dân cư, từng hộ gia đình; đẩy mạnh công tác hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kỹ lưỡng, thường xuyên kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng về PCCC, nhất là kỹ năng ứng phó với hỏa hoạn cho Nhân dân, phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ); xây dựng và nhân rộng các mô hình, phong trào như: Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng; vận động người dân nâng cao cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời và chống cháy, nổ một cách hiệu quả nhất.
Ba là, kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Huy động tối đa các nguồn lực Nhà nước và xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hiện đại, phù hợp phục vụ công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các nước.
Bốn là, tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC trên phạm vi toàn quốc, nhất là đối với những địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; tiếp tục rà soát các quy định về pháp luật xây dựng, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hợp lý, khả thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC.
Năm là, kịp thời khen thưởng, động viên, nhân rộng các tấm gương, điển hình tiên tiến; đồng thời tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các cấp, các ngành và toàn thể quần chúng Nhân dân nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ; từng người dân, từng gia đình hãy tuân thu nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, tích cực hưởng ứng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” để bảo vệ sự an toàn cho chính mình, cho gia đình và cho toàn xã hội.
Với lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ, Chủ tịch Quốc hội mong muốn và tin tưởng, các đồng chí sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, phát huy truyền thống vẻ vang, tinh thần dũng cảm, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để từng nhà an toàn - từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường, thị trấn an toàn và cho mọi người đều an toàn.
Tại Chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng 3 tập thể và 1 cá nhân; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà lưu niệm; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng các điển hình tiên tiến trong công tác PCCC.