Kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án trình chậm, không bảo đảm chất lượng
Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, chiều nay, 31.7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Xã hội và Ban Công tác đại biểu về kết quả hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ.
Tại cuộc làm việc, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Xã hội và Ban Công tác đại biểu đều cho biết, khối lượng công việc của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay tăng lên khá nhiều, trong đó có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhiều nội dung phát sinh đột xuất với yêu cầu cao về chất lượng, gấp về tiến độ nên áp lực với các cơ quan của Quốc hội đều rất lớn. Tuy nhiên, các cơ quan đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình công tác, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã làm được, nghiêm túc rút kinh nghiệm một số hạn chế, trong bối cảnh khối lượng công việc từ nay đến cuối nhiệm kỳ vẫn còn khá nặng nề, các đại biểu đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên quyết không đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chương trình Kỳ họp Quốc hội, Chương trình Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án, dự thảo tờ trình, đề án, báo cáo trình chậm, không bảo đảm chất lượng. Xem xét, nghiên cứu để sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, trong đó có quy định về đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và vai trò của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật trong suốt quá trình hoàn hiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Cùng với đó, cần tăng cường vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát trong mối quan hệ hài hòa với các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Các ý kiến cũng đề nghị tăng cường chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đơn giản hóa tối đa về quy trình xử lý công việc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Ban hành kế hoạch hoạt động phù hợp với nguồn nhân lực của các cơ quan, không để quá tải công việc làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Ủy ban Xã hội đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn lọc nội dung yêu cầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tham gia với các ban Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành; đề cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì, giảm bớt việc tham gia ý kiến với các văn bản không thuộc thẩm quyền, không thuộc lĩnh vực phụ trách để không phân tán nguồn lực để tập trung cho công tác chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan. Nghiên cứu để quy định về danh mục tài liệu mật và cơ chế quản lý đặc thù, phù hợp với thực tiễn hoạt động Quốc hội nhằm tạo thuận lợi trong quá trình rà soát, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, quản lý, lưu trữ phù hợp…
Các ý kiến cũng đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác cán bộ, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh đại biểu Quốc hội chuyên trách (Ủy viên chuyên trách, Ủy viên thường trực, Phó Chủ nhiệm) để đánh giá, khen thưởng cán bộ theo hiệu quả, đầu ra kết quả công việc được giao; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, từ đó bố trí luân chuyển các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Ủy ban khi đủ điều kiện.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị chưa nên thực hiện tinh giản biên chế bộ phận tham mưu, phục vụ chuyên môn của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong Văn phòng Quốc hội do đặc thù công việc của Quốc hội, một Vụ phục vụ Ủy ban có khối lượng công việc và lĩnh vực hoạt động của nhiều bộ mà cần rà soát và phải tăng biên chế do khối lượng công việc và yêu cầu của công việc ngày càng cao, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương ngày càng tăng. Ban hành cơ chế, chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và công chức tham mưu, giúp việc để phát huy vai trò, trách nhiệm tạo động lực làm việc trong hoạt động Quốc hội.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình, thủ tục khoa học, thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả
Kết luận cuộc làm việc, thay mặt Đảng Đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Xã hội, Ban Công tác đại biểu và cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các Vụ phục vụ của 3 cơ quan đã nỗ lực phấn đấu, làm việc không kể ngày đêm, ngày nghỉ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xử lý kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực hiện Chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội đến nay các cơ quan đã hoàn thành 89/109 nội dung, nhiệm vụ; trong đó, Ủy ban Xã hội đã hoàn thành 10/17 nhiệm vụ; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thành 6/6 nhiệm vụ; Ban Công tác đại biểu hoàn thành 10/13 nhiệm vụ. Trong 156 nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch 81 và Kế hoạch 734 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ủy ban Xã hội đã hoàn thành 25/27 nhiệm vụ; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã hoàn thành 14/15 nhiệm vụ; Ban Công tác đại biểu đã hoàn thành 4/5 nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của 3 cơ quan. Trong đó, công tác phối hợp còn có lúc chưa đồng bộ; công tác xây dựng chương trình, kế hoạch nhiệm vụ cũng có lúc còn chưa sát với tình hình thực tiễn, triển khai chưa kịp thời, khối lượng công việc nhiều nhưng sắp xếp cũng chưa bài bản, khoa học...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cơ quan phải quyết liệt, quyết tâm hơn nữa, bàn làm chứ không bàn lùi; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị nội dung, xây dựng dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV; phối hợp tham mưu tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6; đẩy nhanh tiến độ các nội dung, đề án còn lại thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, trong đó, Ủy ban Xã hội còn 7/17 nhiệm vụ, Ban Công tác đại biểu còn 3/13 nhiệm vụ; tham mưu, phục vụ UBTVQH chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch để ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nội dung được giao trong các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Với tinh thần các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải gương mẫu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, sắp xếp công việc khoa học, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở quy chế, quy định về chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan thực hiện "đúng vai thuộc bài".
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo Nghị quyết đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy để trình thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án tổ chức Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
"Phải tiếp tục chỉ đạo rà soát, đổi mới, hoàn thiện các quy trình, thủ tục theo hướng ngày càng khoa học, thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả. Rà soát, xem xét các chế độ chính sách, bảo đảm đúng, trúng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt triển khai tốt chính sách tiền lương mới từ tháng 7.2024".
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan cần tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, về kỷ luật phát ngôn.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của 3 cơ quan, nêu rõ, sẽ cùng với Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách 3 cơ quan nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan; đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tăng cường phối hợp hơn nữa với các cơ quan trong tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.