Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Cùng dự cuộc họp còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nội Vụ và Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao…
Phát biểu mở đầu Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, kết hợp với chất vấn việc thực hiện của các cơ quan đối với các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mỗi kỳ họp Quốc hội đều dành khoảng 2 ngày rưỡi để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Trước khi tiến hành phiên chất vấn chính thức, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Chính phủ đều tổ chức rà soát các công việc chuẩn bị trên tinh thần “chúng ta chuẩn bị trước một bước, chuẩn bị kỹ, từ sớm, từ xa, thì phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra”.
Tại Phiên họp thứ 36 tới đây, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để công khai cho cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.
Để triển khai hoạt động này, các công tác chuẩn bị đã được triển khai từ rất sớm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch từ ngày 26.2.2024 để phân công nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành các báo cáo liên quan và tổ chức họp để chuẩn bị tổ chức hoạt động chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, các phiên chất vấn sẽ diễn ra trong một ngày rưỡi (dự kiến là ngày 21 - 22.8 tới). Thời gian từ nay đến khi tổ chức các phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 36 tới còn khoảng 2 tuần để chuẩn bị. “Tôi mong cuộc họp hôm nay chúng ta bàn tập trung vào những mặt đã làm được, những mặt còn khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến năm 2023”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh, đây là việc làm thường xuyên, song Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, chúng ta không được chủ quan và phải chuẩn bị rất kỹ để công tác điều hành của Chủ tọa cũng như các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời có trọng tâm, trọng điểm.
Theo chương trình, tại Phiên họp thứ 36 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày rưỡi để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, để phục vụ chu đáo hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 36, Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra về mặt nội dung, cũng như các điều kiện bảo đảm, đến nay, các công tác chuẩn bị cơ bản đã được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.
Nội dung chất vấn dự kiến tập trung vào 2 nhóm lĩnh vực: nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch với thời lượng khoảng 190 phút; nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát với thời lượng khoảng 250 phút.
Về cách thức chất vấn, thực hiện theo quy định tại Nội quy kỳ họp và thông lệ thực hiện tại các phiên họp chất vấn thời gian vừa qua, Chủ tọa sẽ mời từ 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không nên quá một phút, người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/câu hỏi, tranh luận không quá 2 phút cho mỗi lượt chất vấn. Các đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và tranh luận qua App Quốc hội. Trường hợp đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi không thuộc nhóm vấn đề chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành trả lời bằng văn bản sau phiên chất vấn.
Đến nay, cơ bản các tài liệu phục vụ phiên chất vấn đã bảo đảm đầy đủ. Sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ gửi trước đến các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu. Như vậy, các đại biểu Quốc hội sẽ có khoảng 15 ngày để nghiên cứu tài liệu, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã phát biểu, trao đổi làm rõ những nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị và cách thức tiến hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động giám sát được cử tri, Nhân dân, các đại biểu Quốc hội và báo chí quan tâm, theo dõi và kỳ vọng.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn. Đây là dịp để kiểm điểm lại công việc chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn. Các phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu đã diễn ra sôi nổi, đạt được yêu cầu, nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra. Các bộ, ngành chuẩn bị trả lời hết sức nghiêm túc.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất vấn là hoạt động thường xuyên của Quốc hội được tiến hành theo đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy Kỳ họp Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội, Chính phủ đối với đất nước, với Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu, triển khai các công việc chuẩn bị cho chất vấn, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung trong các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Trên cơ sở 8 lượt ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện tài liệu, chuẩn bị dự thảo nghị quyết chất vấn tại phiên họp. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với các ý kiến đề nghị Chủ tọa điều hành các phiên chất vấn theo hướng không chia thời gian trả lời cụ thể cho từng bộ trưởng, trưởng ngành để giảm áp lực cho người trả lời chất vấn cũng như bảo đảm bám sát thực tế từng nội dung vấn đề đại biểu đặt ra với các bộ trưởng, trưởng ngành. Việc cải tiến theo hướng này sẽ “vất vả” hơn cho công tác điều hành, nhưng đồng thời cũng bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế của từng phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị đưa ra tại cuộc họp, đó là các đại biểu Quốc hội nên tập trung hỏi đúng phạm vi lĩnh vực được chọn đưa ra chất vấn lần này, bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng thời gian theo quy định, mỗi lần đặt câu hỏi không nên quá một phút và nên hỏi tập trung vào một vấn đề.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri và Nhân dân sẽ đánh giá năng lực của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành; đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục phát huy kinh nghiệm trả lời tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước đó, có phương pháp, cách thức, nội dung trả lời đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu Quốc hội và cử tri, Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần chủ động của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các báo cáo đã khái quát được những kết quả đạt được, một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn và nguyên nhân khách quan, chủ quan của các tồn tại, hạn chế, cùng với các biện pháp, giải pháp khắc phục cũng khá toàn diện.
Về các tài liệu phục vụ phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với kiến nghị của Tổng Thư ký Quốc hội, đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành có báo cáo bổ sung những nội dung còn thiếu mà Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉ ra để cung cấp đến các đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 16.8 tới.