Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh:

Cần khả thi, có trọng tâm, tránh dàn trải

- Thứ Sáu, 26/05/2023, 10:14 - Chia sẻ

Sáng 26.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Hướng tới xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết đã có đủ căn cứ chính trị theo Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30.12.2022 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 31-NQ/TW). Mục tiêu dự thảo Nghị quyết hướng tới là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Cần khả thi, có trọng tâm, tránh dàn trải -0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 5 quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết. Theo đó, bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7.10.2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 31-NQ/TW và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội; việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho thành phố mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước. Bên cạnh đó, cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế, chính sách có trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thời gian tới. Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho thành phố, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, hiệu quả.

Cần khả thi, có trọng tâm, tránh dàn trải -0
Các đại biểu tại phiên họp sáng 26.5. Ảnh: Lâm Hiển

Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách.

Cụ thể, nhóm 1 gồm 7 cơ chế, chính sách được kế thừa từ Nghị quyết 54 của Quốc hội. Nhóm 2 gồm 4 cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác. Nhóm 3 gồm 6 cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến. Nhóm 4 gồm 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Chính sách mới cần “mang tính đột phá”, “vượt trội”

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Cần khả thi, có trọng tâm, tránh dàn trải -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Lâm Hiển

Về thời điểm thông qua, Nghị quyết 76/2022/QH15 về Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV quy định: Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất.

Vì vậy, đa số ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, để Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, trong trường hợp bảo đảm chất lượng soạn thảo thì có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm này. Một số ý kiến cho rằng, do dự thảo Nghị quyết có một số nội dung đang được thảo luận và có thể thay đổi trong các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…; và các luật này theo kế hoạch đều được thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, vì vậy, để bảo đảm tính hợp lý, thì trình dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Năm và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới.

Liên quan đến phạm vi chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh nêu rõ, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền thành phố xây dựng dự thảo Nghị quyết nghiêm túc, công phu, tâm huyết, cầu thị. Các quy định phù hợp với định hướng trong các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54/2017/QH14, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù. Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách trong dự thảo Nghị quyết sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới.    

Cần khả thi, có trọng tâm, tránh dàn trải -0
Các đại biểu tại phiên họp sáng 26.5. Ảnh: Lâm Hiển

Về quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết, ngoài những quan điểm nêu trong Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý thêm một số quan điểm, nguyên tắc cơ bản. Trước hết, các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua; song tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm.

Chính sách mới cũng cần “mang tính đột phá”, “vượt trội” theo đúng tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội; song cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí. Đồng thời, phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với thành phố mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và đất nước, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền, cần đề cao trách nhiệm; song cũng rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Minh Trang
#