Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV:

Cần bổ sung kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật để cử tri và Nhân dân theo dõi

- Thứ Sáu, 26/05/2023, 18:21 - Chia sẻ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, chiều nay, 26.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.

Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cử tri và Nhân dân

Đa số ĐBQH đánh giá cao việc lần đầu tiên quyết Quốc hội quyết định thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV; cho rằng, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới quan trọng, thể hiện sự rất coi trọng tiếng nói, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cũng như vai trò giám sát của Quốc hội trong giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân, của các cơ quan có thẩm quyền. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề xuất kiến nghị, giải pháp trả lời kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, góp phần hoàn thiện công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trong thời gian tiếp theo.

Cần bổ sung kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật để cử tri và Nhân dân theo dõi -0
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang). Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, cử tri rất hoan nghênh sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện của Quốc hội, các hoạt động ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch khi hầu hết ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được ghi nhận, tiếp thu, giải quyết và trả lời. Đây là đổi mới giúp Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cử tri và Nhân dân, đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Vừa qua, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH, ngày 22.7.2022, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Qua giám sát, vừa gắn với việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, vừa kịp thời phát hiện những nội dung trái với Hiến pháp, luật, văn bản của các cơ quan nhà nước hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Nhấn mạnh những kết quả này, một số ý kiến đề nghị, cần bổ sung thông tin báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật hàng năm vào báo cáo giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp; đồng thời, nêu cụ thể việc giải quyết, tiếp thu của Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ đối với nội dung này để cử tri và Nhân dân biết.

Làm rõ lĩnh vực, cơ quan có chuyển biến tích cực trong giải quyết kiến nghị của cử tri

Cần bổ sung kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật để cử tri và Nhân dân theo dõi -0
ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên). Ảnh: Hồ Long

Để góp phần giải quyết hiệu quả kiến nghị của cử tri, ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) đề nghị, Báo cáo cần làm rõ qua giám sát lĩnh vực nào đã có chuyển biến tích cực, cơ quan nào có tiến bộ rõ rệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri, đặc biệt là giám sát kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có hiệu lực, hiệu quả như thế nào. Ban Dân nguyện tiếp tục quan tâm, đôn đốc việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri với các bộ, ngành Trung ương, nhất là kiến nghị của cử tri được tiếp thu, triển khai nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Cùng với đó, khi xây dựng kế hoạch, Ban Dân nguyện cần chú ý giám sát về nội dung trả lời thực hiện các kiến nghị đối với vụ việc còn chậm, nhiều bức xúc, nổi cộm, những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần đã được trả lời nhưng chưa có chuyển biến tích cực...

Cần bổ sung kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật để cử tri và Nhân dân theo dõi -0
ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang). Ảnh: Hồ Long

Ở góc độ khác, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, còn nhiều kiến nghị, đề xuất của cử tri liên quan đến tồn tại, hạn chế, vướng mắc hoặc những khoảng trống pháp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý của nhà nước… Vì vậy, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, cần tập trung quyết liệt giải quyết những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý. Qua đó, tháo gỡ kịp thời nút thắt, điểm nghẽn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước, giúp giảm bớt khối lượng giải quyết kiến nghị, khiếu nại của cử tri.

Theo đó, cần xác định các khoảng trống pháp lý tại các văn bản hiện hành hoặc những quan hệ xã hội mới phát sinh mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để lập kế hoạch xây dựng, bổ sung các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh, quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, tập trung rà soát để giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết các nội dung đã được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị định của Chính phủ. Bởi, nếu không kịp thời ban hành văn bản sẽ không bảo đảm được tính hiệu lực pháp luật đối với nội dung đã được quy định tại luật, pháp lệnh, Nghị quyết, nghị định.

Thành Trung
#