- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương): Tiếp tục rà soát để tránh trùng lặp giữa các nội dung của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn
Liên quan đến nội dung cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thiết kế 2 phương án. Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).
Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Tán thành với phương án 1, các ĐBQH cho rằng, việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà khi điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Đồng thời, đã có nhiều số liệu minh chứng cụ thể thực trạng tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia.
Dẫn số liệu các cơ quan chức năng đã thống kê, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho biết, trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Đại biểu cũng cho rằng, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm như vậy thì người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định thì chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó.
“Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có lợi cho chính người tham gia giao thông và gia đình mình”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.
Cũng nhất trí với phương án 1, song ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị, cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này. Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng việc đưa ra “ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép” để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông.
ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) cũng đề nghị, để luật đi vào cuộc sống và có sức thuyết phục, cần rà soát, xem xét, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt sao cho phù hợp và có lộ trình cụ thể để người dân dần dần hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, đáp ứng được yêu cầu thực hiện các quy định của pháp luật.
Tăng chế tài xử phạt hành vi không chấp hành quyết định của cơ quan chức năng
Tại khoản 4, Điều 70 dự thảo Luật quy định: Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; quy định việc quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; quy định việc trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới.
Quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ ban hành quy chuẩn, quy định kỹ thuật quốc gia về hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.
Đại biểu cũng cho rằng, mỗi tỉnh chỉ cần xây dựng 1 trung tâm tích hợp quản lý điều hành và giám sát giao thông để tránh lãng phí đầu tư ngân sách nhà nước. Vì tại Điều 74 trong dự thảo Luật này quy định thành lập Trung tâm chỉ huy giao thông; tại dự thảo Luật Đường bộ ở Điều 40 có quy định về Hệ thống quản lý giao thông thông minh, Điều 53 có quy định về Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc. Do vậy, cần rà roát kỹ lưỡng, thống nhất các quy định trên giữa 2 dự thảo Luật này theo hướng thực hiện thống nhất 1 trung tâm trên 1 đơn vị hành chính cấp Tỉnh.
Chỉ ra thực trạng hiện nay hiệu lực chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa cao, việc trốn đóng, không chấp hành quyết định xử phạt về giao thông đường bộ có xu hướng tăng cao, Nhà nước phải tốn kém nhiều nguồn lực giữ các phương tiện vi phạm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh, cần nghiên cứu nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước, tăng chế tài xử phạt đối với hành vi cố tình trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt hành chính của cơ quan chức năng để tăng cường tính răn đe, bảo đảm pháp luật được thực thi hiệu quả.