Bồi dưỡng cán bộ quy hoạch làm đại biểu chuyên trách: Phải khoa học, thiết thực, hiệu quả

- Thứ Sáu, 17/03/2023, 16:10 - Chia sẻ

Việc xây dựng Kế hoạch về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách phải thực sự thiết thực, hữu ích, tập trung vào pháp luật về bầu cử, kỹ năng của người tham gia ứng cử, vận  động bầu cử, các vấn đề liên quan đến Luật Tổ chức Quốc hội, quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Thực sự thiết thực

Tiếp tục Phiên họp thứ 21, chiều nay, 17.3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc xem xét, ban hành Kế hoạch về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Kế hoạch). 

Trình bày Tờ trình, Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, việc đào tạo, bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm trang bị, cập nhật và nâng cao nhận thức của người được quy hoạch, từ đó góp phần nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XVI.

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, lớp đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo khoa học, thiết thực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu chung và yêu cầu đặc thù đối với đại biểu dân cử; vừa cập nhật kiến thức về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vừa rèn luyện một số kỹ năng cần thiết cho việc vận động bầu cử và trong hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách; từ đó góp phần nâng cao ý thức về vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng hướng tới đối tượng là người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XVI giai đoạn 2026-2031 (đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2022 và 2023), được chia thành 2 nhóm: Nhóm 1: đã là đại biểu Quốc hội và Nhóm 2: chưa là đại biểu Quốc hội.

Bước chuyển trong nhận thức

Thống nhất với sự cần thiết ban hành Kế hoạch, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc có quy hoạch và tiến hành đào tạo là bước chuyển đổi trong nhận thức và có hoạt động cụ thể góp phần chuẩn bị đội ngũ cho Quốc hội Khoá sau có kiến thức kỹ năng, tâm thế thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội chuyên trách. 

Đánh giá cao công tác chuẩn bị dự thảo Kế hoạch của Ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đặc biệt nhấn mạnh tính thực sự hữu ích, sát với thực tiễn của nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, một số chuyên đề nên cân nhắc có cần thiết không, ví dụ chuyên đề về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể quốc gia, đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược, hay bối cảnh quốc tế, khu vực, chính sách tiền tệ... 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các nội dung này cũng cần thiết, nhưng việc sát sườn nhất khi làm đại biểu Quốc hội là làm gì, làm như thế nào, làm Ủy viên thường trực, Phó Chủ nhiệm hay Chủ nhiệm Ủy ban, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thì phải làm những việc gì và làm như thế nào thì sẽ thiết thực hơn. Khi mới bắt đầu làm đại biểu Quốc hội không ai hướng dẫn quan hệ công chúng thế nào, hay việc tiếp xúc cử tri ra sao, xử lý công việc của đại biểu thế nào, các nguyên tắc cơ bản đối với các cơ quan của Quốc hội ra sao... Ví dụ, Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tức là chế độ thủ trưởng và quyết định cá nhân nhưng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban lại hoạt động theo nguyên tắc của nghị viện là làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Vì vậy, nên thiết kế chương trình bồi dưỡng để trang bị cho người được học cái mà họ cần hơn là những kiến thức chung chung.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội và Ban Công tác đại biểu tiếp tục phối hợp, hoàn thiện lại Kế hoạch. Cụ thể, về tên gọi, bám sát vào Kế hoạch 419, bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách, đối tượng bồi dưỡng là người được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương

Về thời gian bồi dưỡng: sau khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XVI. Về nội dung: tập trung vào các vấn đề trọng tâm để người được quy hoạch nắm được kỹ năng, kiến thức, tham gia ứng cử, sẵn sàng tâm thế để trở thành đại biểu Quốc hội chuyên trách; tập trung vào pháp luật về bầu cử, kỹ năng của người tham gia ứng cử, vận  động bầu cử, Luật Tổ chức Quốc hội, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm thẩm quyền, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Kế hoạch cần quy định lựa chọn những giảng viên có uy tín, có kinh nghiệm công tác, có kỹ năng trình bày, để bảo đảm lớp học có kết quả tốt.

Hoàng Ngọc
#