Tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, sáng nay, 27.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trình Quốc hội 2 phương án về bảo hiểm xã hội một lần
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, ngoài việc kế thừa quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đối với các trường hợp giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần như: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS, thì dự thảo luật còn quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Sáu theo hai phương án:
Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:
Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22.6.2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, tức là: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần này.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 và cũng là ý kiến của đa số người lao động một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để hạn chế tốt nhất việc người lao động phải lựa chọn việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thì dù lựa chọn phương án nào thì Chính phủ cũng đều phải có thêm các giải pháp khác để hỗ trợ người lao động khó khăn khi có nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống; nếu không, người lao động vẫn có nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản tiền mặt để giải quyết khó khăn trước mắt.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, giải pháp căn cơ, lâu dài như: Chính phủ có đề án hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như được vay vốn tín dụng bằng các cơ chế, chính sách đặc thù; tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách trung ương, ủy thác của ngân sách địa phương để tăng nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, mở rộng phạm vi, mức vay vốn cho người lao động… Các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động...) để duy trì ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.
Đồng thời, tăng cường, đẩy mạnh thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực này, trong đó có việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức thực hiện chính sách… để người lao động yên tâm tin tưởng tham gia BHXH lâu dài và Công đoàn Việt Nam cần tăng cường trách nhiệm, đổi mới công tác tuyên truyền, gắn với cơ sở, người lao động nhiều và chặt chẽ hơn nữa để giúp cho người lao động hiểu, nhận thức rõ được các hạn chế của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần và nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
“Do đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong trước mắt và khi hết tuổi lao động. Để bảo đảm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, dân chủ, thận trọng, trách nhiệm, và phát huy trí tuệ tập thể của các vị đại biểu Quốc hội trong xử lý vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng cường sự đồng thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lưu ý.
Đối với các điều kiện hưởng BHXH một lần khác (Điều 74 (trừ điểm đ khoản 1) và Điều 107 (trừ điểm đ khoản 1)), có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Chính phủ trình là chưa rõ, việc liệt kê các trường hợp mắc các bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS là chưa đầy đủ, chưa bao quát, đề nghị bổ sung các trường hợp mắc bệnh nguy hiểm. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c và điểm d khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 của Điều 74, điểm c và điểm d khoản 1 của Điều 107.
Bổ sung nguyên tắc chung về bảo hiểm hưu trí bổ sung
Về bảo hiểm hưu trí bổ sung, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cũng như ý kiến đại biểu Quốc hội đều đề nghị bổ sung các nguyên tắc cơ bản về bảo hiểm hưu trí bổ sung vì đây là một tầng trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW và làm cơ sở để Chính phủ có căn cứ quy định chi tiết, tổ chức thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu một số nội dung trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 234/BC-CP, cụ thể: Bổ sung Chương VIIa với 4 điều quy định (từ Điều 128a đến Điều 128d) mang tính nguyên tắc chung về bảo hiểm hưu trí bổ sung; bổ sung khoản 4 tại Điều 136 giao Chính phủ quy định chi tiết về bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới.