Thứ hai, Đảng phải thật sự xứng đáng là Đảng “chân chính, cách mạng”, thật sự “là đạo đức, là văn minh”
Với tư cách là người lãnh đạo, cầm quyền, hiện nay, Đảng tiếp tục đi tiền phong cùng dân tộc thực hiện sứ mệnh lịch sử đổi mới đất nước, tiến tới mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, như đã từng nguyện thề ở buổi đầu sinh hạ từ 93 năm trước rằng, lãnh nhiệm trọng trách lịch sử giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách kiên định, dù phải hy sinh vì gươm súng xâm lược bạo ngược của đủ loại kẻ thù từ nhiều phía. Vì, yêu cầu của lịch sử dân tộc, Nhân dân đã trao cho Nhà nước của mình trọng trách quản trị quốc gia và Nhân dân xây dựng, bảo vệ Nhà nước của mình và bảo vệ nước Việt Nam độc lập, tự do, phát triển mạnh mẽ, dưới ngọn cờ của Đảng.
Kinh nghiệm chính trị đất nước và chính trị thế giới đều xác tín: Thiếu tầm nhìn, tức là văn hóa, sẽ nhất định mất phương hướng và đổ vỡ là khó tránh khỏi.
Trọng trách lịch sử đóđòi hỏi Đảng tiên phong về trí tuệ trong tầm nhìn chiến lược mang tính nguyên tắc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ ngang tầm trọng trách lịch sử giao phó và khát vọng của Nhân dân.
Hành trình trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, thời khắc này, hơn bao giờ hết, càng đòi hỏi chúng ta về tầm nhìn chiến lược xa rộng và biện chứng; về sự trung thành và sáng tạo trong bảo vệ và thực thi những nguyên tắc; sự nhạy bén, tỉnh táo, sâu sắc và toàn vẹn trong mỗi quyết sách; tính nhân văn, linh hoạt và tinh tế trong mỗi bước đi… mà vấn đề cơ bản và sinh tử nhất xuyên suốt, bao trùm mọi suy nghĩ và hành động của Đảng là, giữ vững vô điều kiện nguyên tắc bất di bất dịch: Cùng toàn thể dân tộc bảo vệ bằng mọi giá vị thế độc lập của đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ mấy nghìn năm, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và lợi ích vô giá của Dân tộc, đất nước và của Nhân dân ta, dù trong bất cứ điều kiện, tình huống nào.
Đó là “ngọn lửa thử vàng” về tầm nhìn chính trị và bản lĩnh nhân văn, về cốt cách và phương pháp hành động của mỗi đảng viên, của các cấp ủy, các cơ quan lãnh đạo; là thước đo về lòng yêu nước, thương nòi, về đức dám hy sinh, gan góc… của mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng. Nó không dung thứ bất cứ ai, bất cứ sự mơ hồ nào về chính trị, bất cứ một hành động do dự, sợ hãi, hèn nhát nào, nhất là những suy nghĩ và hành động nào làm tổn hại vị thế của đất nước, tư thế của dân tộc, quyền lực của Nhân dân, chỗ đứng và thanh danh của Đảng, thực lực và uy tín của Nhà nước, sức mạnh và danh dự của chế độ XHCN, dưới ngọn cờ của Đảng, xét cả trong nước và trên trường quốc tế! Đó là trí tuệ, là nhãn quan và cũng là liêm sỉ và danh dự của mỗi đảng viên!
Đổi mới không ngừng nền hành chính, công vụ quốc gia phụng sự Nhân dân
Mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước là mối quan hệ giữa lãnh đạo chính trị và quản lý đất nước, giữa định hướng chính trị và quản trị quốc gia, thông qua các đảng viên của Đảng, các tổ chức đảng trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, hơn lúc nào hết, vai trò của Nhà nước, lúc này có thể nói là, kiến tạo phát triển và quản trị quốc gia, trên nền tảng pháp luật không ngừng được hoàn thiện phù hợp với đất nước, với thông lệ và luật pháp quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo đó, Nhà nước đổi mới không ngừng nền hành chính và công vụ quốc gia phụng sự Nhân dân, phục vụ công cuộc phát triển toàn diện đất nước.Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú luôn đề cao tính công khai minh bạch và chịu trách nhiệm hoạt động hiệu lực, hiệu quả và trực tiếp nâng tầm nhìn và lòng tin của Nhân dân trên hành trình đi đến tương lai. Và, đó cũng chính là đòi hỏi của Nhân dân đối với Nhà nước của mình. Đồng thời, hết sức cảnh giác, ngăn chặn bằng pháp luật nguy cơ cấu kết giữa một bộ phận các nhà chính trị suy thoái trong bộ máy nhà nước với giới chủ và những người nắm tài chính quốc gia, hình thành các nhóm lợi ích làm khuynh đảo nền chính trị, kinh tế và xã hội đất nước. Đây chính là sự phản văn hóa.
Để đáp lại sự gửi gắm tin cậy đó, Đảng không ngừng chủ động nỗ lực sửa mình, tiếp tục hoàn thành trọng trách to lớn và thiêng liêng ấy. Thời kỳ phát triển mới của đất nước, hơn lúc nào hết, đòi hỏi tư duy về phát triển, hoạch định chính sách phát triển của Đảng đều phải tự nó hàm chứa và thấm đẫm yếu tố đạo đức và văn hóa. Mọi quyết sách của Đảng về sự phát triển đất nước tự nó phải mang tính chính trị và văn hóa trước khi là một quyết sách về kinh tế hay phát triển công nghệ đơn thuần. Phát triển kinh tế - xã hội vừa phải được định hướng chính trị, vừa được bảo đảm bởi sức mạnh đạo đức và văn hóa, nhất là trong điều kiện của một đảng lãnh đạo, cầm quyền. Đó là yêu cầu tất yếu của mục tiêu phát triển đất nước bền vững. Đến lượt nó, đạo đức là yếu tố làm nên sức mạnh văn hóa chính trị của Đảng, tỏa sáng sự hấp dẫn của Đảng đối với Nhân dân, bạn bè, đồng chí quốc tế và làm cho Đảng trở thành một Đảng chân chính, cách mạng và nhân văn.
Nhớ ngày 30.7.1955, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ý dân là ý giời” thì đó là giá trị căn bản của văn hóa. Do đó, nếu không học hỏi Dân thì không lãnh đạo được Dân.Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng. Người chỉ rõ: Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với Dân; Dân sẽ có ý kiến hay. Vì vậy, đối với Dân ta đừng có làm điều gì trái ý Dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy. Đó là văn hóa. Lòng dân đồng thuận và ủng hộ Đảng và Nhà nước là tài sản vô giá của cách mạng, là thước đo sức mạnh và uy tín văn hóa của Đảng đối với Nhân dân!
Cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hiện nay, vấn đề đạo đức của Đảng và trong Đảng nổi lên vừa là công việc bức xúc nhất, cấp thiết nhất trong Đảng, vừa là vấn đề hệ trọng lâu dài có quan hệ tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Dù vẫn không ít người cho rằng, khi đề cập đến việc xây dựng Đảng về tư tưởng cũng đã bao hàm vấn đề đạo đức, và như thế là đủ. Yêu cầu phát triển hiện nay có phải chỉ dừng lại như vậy không?
Đạo đức hành động và hành động đạo đức mang tầm văn hóa
Để hoàn thành trọng trách và nhiệm vụ hết sức nặng nề nêu trên, vấn đề đặt ra và cũng chính là sự đòi hỏi cấp thiết là Đảng phải được xây dựng thực sự trong sạch về đạo đức, tầm nhìn xa rộng về chính trị, sâu sắc về trí tuệ, vững mạnh về tổ chức nhằm nâng cao không ngừng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của Đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đòi hỏi phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ, với nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. Nếu chỉ dừng lại ở nhận thức, tri thức về đạo đức, tự thân nó không bao hàm đầy đủ các vấn đề đạo đức trong Đảng và trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cái cần thiết và bảo đảm quan trọng thực thi mục tiêu chính trị không thể chỉ dừng lại ở tình cảm đạo đức, đạo đức suông, mà quyết định ở đạo đức hành động và hành động đạo đức mang tầm văn hóa. Vì, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân không chỉ chưa nhận thức rõ, không thấy hết tầm quan trọng của ý thức đạo đức, tri thức đạo đức, tình cảm đạo đức mà còn chưa đặt vấn đề đạo đức hành động và quyết định là hành động đạo đức một cách xứng đáng và ngang tầm văn hóa trong toàn bộ và chỉnh thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Như thế chính là buông lỏng, thậm chí xa rời chính trị, lãng quên văn hóa.
Thực tiễn lại cho thấy, nếu như vậy, mới chỉ dừng lại là ý thức đạo đức mà thôi, trong khi vấn đề quan trọng và quyết định nhất của đạo đức là hành động đạo đức và đạo đức hành động cần thiết phải được đặt đúng tầm văn hóa. Hơn nữa, nhận thức về vấn đề đạo đức chưa trở thành một nội dung độc lập nhưng thống nhất hữu cơ với tất cả các lĩnh vực khác trong công tác xây dựng Đảng, chưa nói tới tổ chức đạo đức hành động của Đảng. Nếu lơ là hoặc xem nhẹ đạo đức hoặc đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng với đạo đức là chưa đủ tầm, thậm chí thiên lệch, như thế sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống, phong cách… của đội ngũ đảng viên tới mức nào đó sẽ làm băng hoại về chính trị, hỗn loạn về tưởng, rệu rã về tổ chức, rốt cuộc có thể làm băng hoại Đảng. Vì, sự suy thoái băng hoại về đạo đức nhất định dẫn tới sự suy thoái, băng hoại về chính trị, lỏng lẻo, thậm chí biến Đảng thành một tổ chức để thăng quan phát tài, lợi ích cục bộ, và nhất định tan rã về tổ chức... Xin nhắc lại cảnh báo, quyền lực mà giao cho những người không có đạo đức còn nguy hiểm hơn thả thú dữ vào xã hội; và, trí thức, nếu mục tiêu không có đạo đức thì nguyên vẹn chỉ là sự tàn bạo mà thôi. Nghĩa là mất gốc từ đạo đức nói riêng và văn hóa nói chung.
Trên tầm vĩ mô, càng nhìn lại chặng đường sau 37 năm đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng nhìn thẳng vào thực tế, càng thấy những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng đang đặt ra rất nhiều vấn đề lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Khi yêu cầu phát triển đất nước mạnh mẽ và bền vững phải là lợi ích cốt lõi, lợi ích dân tộc phải trở thành tối cao; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trở thành mệnh lệnh thiêng liêng, sinh tử… không thể không yêu cầu sự phát triển về đạo đức trong Đảng và văn hóa chính trị của Đảng. Đó là sự đòi hỏi phát triển không chỉ về đạo đức trong sự trưởng thành về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng và sự tương dung về tổ chức và cán bộ mà sâu và rộng hơn là về văn hóa của Đảng, trong thực hiện sứ mệnh cầm quyền ngang tầm yêu cầu trọng trách lịch sử dân tộc giao phó.
Hợp quy luật và hợp lòng Dân - đó là bài học vô giá quyết định sự thành công công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng hơn 93 năm qua. Theo đó, thước đo sự hiện diện và vai trò, trách nhiệm, sức mạnh và sự trưởng thành chính trị và nhân văn của mỗi đảng viên, của từng tổ chức đảng cũng chính là ở đây!
Hơn nữa, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không bao giờ có một người thực sự vĩ đại mà lại không phải là một người thực sự đạo đức. Và vì, lúc này chính trị là đạo đức; và hơn hết lúc nào, hiện nay, văn hóa chính lại là chính trị ở đỉnh cao.
Thứ ba, Đảng phải thật sự “là trí tuệ, là danh dự và lương tâm của thời đại”
Tại Đại hội XII, khi Đảng ta khẳng định: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức thì đó là một quyết sách chính trị chiến lược và mang tầm văn hóa.
Xây dựng Đảng về đạo đức là một đòi hỏi tất yếu, khách quan của công tác xây dựng Đảng, là nhu cầu, nhiệm vụ vừa trước mắt vừa lâu dài, xuyên thấm hữu cơ trong các phương diện xây dựng chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhân tố làm nên danh dự, lương tâm chính là đạo đức. Theo đó, xây dựng Đảng về đạo đức là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm 2016-2020: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Ngày 30.10.2016, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ra Nghị quyết số 04-NQ/TW “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” càng cho thấy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở nên cần kíp hơn hết bao giờ. Vì, kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng: Người gieo đạo đức gặt hái vinh dự; và rằng, không có đạo đức và không có chính trực, những tài năng vượt trội nhất và những thành tựu rực rỡ nhất không bao giờ có thể nhận được sự tôn trọng và thu phục được lòng kính mến của những người có giá trị nhất trong nhân loại. Nêu gương về đạo đức, mẫu mực và nghiêm khắc trong kiểm soát và tự kiểm soát quyền lực trên nền tảng pháp luật và những quy định trong Đảng phải là hai trong những trọng trách then chốt hiện nay. Cần khắc sâu và cảnh báo: Trao quyền lực cho những người vô đạo đức không khác gì thả rông thú dữ vào xã hội, tức là phản văn hóa.
Khi Đảng lãnh đạo, cầm quyền, nếu đồng nhất một cách giản đơn xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng với xây dựng Đảng về đạo đức, trên thực tế, sẽ dẫn đến xem nhẹ vấn đề đạo đức trong Đảng, của Đảng. Đó là hạn chế lớn cần phải khắc phục. Một khi đạo đức trong Đảng yếu kém sẽ gây lệch lạc trong lãnh đạo chính trị, làm xáo trộn trong tư tưởng, phương hại tới lãnh đạo tổ chức của Đảng; và cũng dẫn đến nguy cơ làm phương hại xây dựng và phát triển văn hóa. Tầm nhìn chính trị của Đảng, vì thế có thể rơi vào thiển cận, ngắn hạn, cục bộ; trí tuệ chính trị của Đảng, do đó bị hạn hẹp, khiếm khuyết; tổ chức của Đảng có nguy cơ bị phân liệt, cát cứ, phá vỡ sự thống nhất… Tất cả điều đó khiến cho Đảng rơi vào nguy cơ khó còn là người lãnh đạo nữa, khó tiêu biểu là trí tuệ, là danh dự và là lương tâm của dân tộc, của thời đại nữa.
Hơn 93 năm, kể từ khi ra đời đến nay, càng ở những khúc quanh của lịch sử đất nước, càng cho thấy, lúc nào đội ngũ đảng viên của Đảng giữ được phẩm chất đạo đức thì cách mạng càng vững mạnh, thu được nhiều thành tựu; ngược lại lúc nào đảng viên, cán bộ suy thoái thì cách mạng gặp khó khăn, thậm chí có mặt thất bại.Qua 37 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, những suy thoái về đạo đức ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả một số cán bộ cao cấp rất đáng lo ngại, làm xói mòn, giảm sút, thậm chí đang “đánh cắp”, bôi nhọ lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; xâm hại đạo đức xã hội. Khi Đảng trở thành một đảng cầm quyền, hơn thế nữa, lại cầm quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thì không chỉ là tầm nhìn, trí tuệ, vấn đề đạo đức của Đảng, nhất là việc làm thế nào để Đảng thật sự vững vàng, trong sáng về đạo đức là một vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài.
Công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nếu không được nhận thức đúng, trúng và hành động một cách kiên quyết và ngang tầm; những “cục nghẽn mạch” đó nếu không được chỉnh đốn, chữa trị kịp thời sẽ là thách thức sống còn, nguy cơ sinh tử đối với vị thế, vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử của Đảng và sự tồn vong chế độ. Khi quyền lực hành động mà mục tiêu thiếu đạo đức và không được kiểm soát thì nguyên vẹn chỉ là sự tàn bạo. Tích tụ và phát tác tới mức độ nào đó, Đảng khó có thể “là đạo đức, là văn minh”, càng khó “là lương tâm, là trí tuệ, là danh dự của thời đại chúng ta” và càng khó tiếp tục xứng đáng “là đứa con nòi” của Nhân dân.
Do đó, trong công việc, không trừ một đảng viên hay một cấp ủy nào cùng với việc chủ động bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng một cách kiên định, sáng tạo, phải tuân thủ vô điều kiện kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước: từ đổi mới cách nhìn, cách tiếp cận, cách chỉnh đốn và tự chỉnh đốn; từ trong Đảng tới ngoài xã hội, từ đối nội tới đội ngoại. Thiếu phương diện này sẽ khiếm khuyết và trở nên lệch lạc, mất cân bằng, thậm chí mất phương hướng về chính trị và văn hóa! Khi đó, vị thế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trở nên khó khăn, không thể thống nhất với lợi ích của Đất nước và của dân tộc. Và, đảng viên nào thờ ơ, lảng tránh điều ấy là vô hình rơi vào “tự diễn biến”; tổ chức lãnh đạo nào cơ hội nhằm trục lợi cá nhân, phe nhóm mình, làm hại Quốc thể, làm hổ thẹn đồng bào, là lâm vào “tự chuyển hóa”, tất cả dứt khoát không có chỗ đứng trong Đảng, trong Nhân dân nữa!
Đó cũng là tư chất nhân văn cao cả truyền đời bao thế hệ mà mỗi đảng viên, từng tổ chức đảng cần gìn giữ, bảo vệ và phát triển! Tới lượt mình, mỗi đảng viên phải là một nhân cách văn hóa.
Nói khái quát, văn hóa phải thấm sâu và soi đường cho công cuộc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ. Và, mang tầm mức văn hóa như thế Đảng mới có thể khẳng định và phát triển bản chất, sức mạnh và uy tín của mình ngang tầm đòi hỏi của lịch sử và của Nhân dân.
Có thể nói, ba tư chất đó là rường cột làm nên linh hồn, phẩm giá văn hóa của Đảng và của hệ thống chính trị, làm nền văn hóa chính trị Việt Nam.Và, tổng hòa các phương diện đó hợp thành nội dung hữu cơ của văn hóa trong xây dựng Đảng. Nó không chỉ định hướng, định tính và định lượng về nội dung văn hóa của mỗi đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, ở bất cứ đâu mà còn là yêu cầu phát triển và thước đo trưởng thành về văn hóa trong lãnh đạo, cầm quyền về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ của mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng và hệ thống chính trị hiện nay.
Nói một cách hình ảnh, ba nhân tố cơ bản đó hợp thành phẩm giá, làm nền tư chất văn hóa của Đảng. Nếu để mất một thì Đảng nghiêng, để mất hai thì Đảng nguy và để mất cả ba thì Đảng tất bị đe dọa mất còn. Và, vô hình, trở thành phi văn hóa, thậm chí phản văn hóa.