Lựa chọn những khâu đột phá
Khảo sát thực tiễn những biến thể, những dạng trá hình từ việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nổi bật ba việc cấp bách cần lựa chọn và xử lý với tư cách là những khâu đột phá có ý nghĩa tổng thể:
Một là, về tư tưởng và lý luận, cần thấu triệt hai mặt “dân chủ” và “tập trung” trong nhận thức và thực thi một cách chỉnh thể nguyên tắc tập trung dân chủ. Xét cho cùng, đây là nguyên tắc xử lý mối quan hệ giữa chân lý và tự do. Trước chân lý, nếu mọi đảng viên, mọi tổ chức ở tất cả các cấp càng được tự do bày tỏ ý kiến, càng được dân chủ thảo luận bao nhiêu một cách có trách nhiệm thì khi ấy chân lý trở thành quyết sách càng được nhận thức một cách thống nhất và tập trung và việc thực thi chân lý càng được hành động một cách đúng hướng, tự do, sáng tạo và dân chủ bấy nhiêu trong toàn bộ hệ thống. Nói một cách hình ảnh, tập trung là “phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng”. Mà muốn thế thì nhất định phải dân chủ, phải “so sánh kinh nghiệm của dân chúng”, “vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”.
Nó bảo đảm việc xây dựng và giữ gìn sức mạnh, đồng thời là chân trời giải phóng và phát triển mọi tiềm năng của tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và của từng đảng viên, cán bộ và mỗi người. Tuyệt đối hóa dân chủ sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật; ngược lại, tuyệt đối hóa tập trung dẫn đến quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, thậm chí mù quáng, sai lầm, phá hoại sức sáng tạo của tổ chức và của mỗi người. Nói cách khác, đây chính là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương.
Hai là, về thể chế, hoàn thiện thể chế hợp thành cơ chế vận hành phù hợp và hữu hiệu trong Đảng thống nhất với sự vận hành pháp lý của các thành viên hệ thống chính trị một cách quang minh, chính đại. Không có cơ chế phù hợp và hữu hiệu nào được xây dựng bởi hệ thể chế tổng thể, cụ thể và tương dung nhất định không có bất cứ một sự thực thi đúng đắn nào của việc thực thi một cách dân chủ và triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Đảng. Đây là giềng mối bảo đảm vận hành hệ thống chỉnh thể của Đảng một cách tập trung dân chủ, là thước đo về trình độ tập trung và năng lực dân chủ của người điều hành ở tất cả các cấp của Đảng với tất cả các mối quan hệ khác với hệ thống.
Sự khấp khểnh, thậm chí vừa thừa vừa thiếu về thể chế hiện nay vô hình trung tạo thêm sự phức tạp, rối răn vô hình tạo nên tình trạng rối loạn, thậm chí vô hiệu hóa việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây phải là khâu đột phá thứ hai trong việc đổi mới và kiến tạo cơ chế hoàn bị thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ.
Ba là, về cán bộ, lựa chọn đúng người đứng đầu cấp ủy các cấp thống nhất với người đứng đầu các tổ chức của hệ thống chính trị các cấp tương ứng. Xây dựng cơ chế cho dù là tốt nhất nhưng chưa đủ, nếu thiếu người vận hành nó tương xứng. Vấn đề lựa chọn, bố trí đúng người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị là nhân tố có ý nghĩa quyết định việc thực thi một cách thống nhất, nghiêm cách và hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ. Trên phương diện phương thức lãnh đạo, cầm quyền, thì “chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo”, càng phải trở thành khâu đột phá quyết định.
Bằng tư tưởng, lý luận và thực tiễn, bác bỏ thẳng thừng những âm mưu, hành động chống phá của kẻ thù đối với nguyên tắc tập trung dân chủ.
Nhận thức đúng đắn về nguyên tắc tập trung dân chủ
Từ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong toàn bộ hoạt động của Đảng, càng cho thấy và khẳng định, dù là tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung thì trước sau, nguyên vẹn và sinh động là một nguyên tắc hoàn chỉnh chứ không phải là sự lắp ghép cơ học đơn thuần hay tùy tiện vô lối giữa “nguyên tắc tập trung” với “nguyên tắc dân chủ”, như ai đó bài xích, chế nhạo.
Toàn bộ bộ máy và tổ chức của Đảng, toàn bộ hoạt động trên mọi phương diện lãnh đạo của Đảng và toàn bộ đời sống sinh hoạt đảng được xác lập, hình thành và vận hành một cách chỉnh thể biện chứng, thống nhất và hiệu quả, theo nguyên tắc tập trung dân chủ và luôn được bảo đảm bởi nguyên tắc tập trung dân chủ.
Không ít người chưa hiểu rằng, tập trung luôn đặt trên cơ sở dân chủ, mang tính chất dân chủ là động lực hướng tới việc củng cố và tăng cường sự tập trung; sự củng cố và tăng cường tính tập trung, đến lượt nó, đặt trên cơ sở giữ vững, mở rộng và phát huy không ngừng dân chủ. Và, đến lượt dân chủ, nó chỉ được thực hiện đúng đắn và đầy đủ bằng sự bảo đảm và chế ước bởi sự tập trung; mở rộng và phát huy dân chủ phải đồng thời bảo đảm, củng cố sự tập trung. Hạ thấp hoặc phá vỡ tập trung cũng có nghĩa là làm suy giảm và xóa bỏ dân chủ; và ngược lại. Nói một cách khái quát, chế độ tập trung - V.I. Lênin viết - hiểu theo nghĩa thực chất dân chủ, đã bao hàm khả năng - khả năng này do lịch sử tạo ra lần đầu tiên - phát huy một cách đầy đủ và tự do không những các đặc điểm của địa phương mà cả những sáng kiến của địa phương, tính chủ động của địa phương, tính chất muôn hình muôn vẻ của các đường lối, của các phương pháp và phương tiện để đạt mục đích chung.
Tròn 93 năm qua, “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương” (2).
Trước hết, ở đây, tập trung trên cơ sở dân chủ, mang tính chất dân chủ là sự tập trung quyền lực của đa số, thiểu số phục tùng; là sự tập trung gắn liền giữa cấp trên với cấp dưới, cấp trên lắng nghe và tôn trọng cấp dưới, kiểm tra cấp dưới và cấp dưới tự giác chấp hành cấp trên, giám sát cấp trên. Không ít cán bộ, đảng viên còn ngộ nhận rằng tập trung càng cao thì dân chủ càng giảm, muốn tăng cường dân chủ thì phải giảm bớt tập trung; còn giữ lại nguyên tắc tập trung dân chủ thì bản chất của nó không thể khắc phục được tệ độc đoán, gia trưởng, quan liêu… Đồng thời, tập trung gắn liền với dân chủ, được quyết định bởi nền tảng dân chủ là sự tập trung do toàn thể đảng viên xây dựng lên, không phải do một ai đó ban phát hoặc một nhóm nào đó có quyền thâu tóm, định đoạt các công việc của Đảng; là sự tập trung của ý chí, trí tuệ, quyền lực của đa số đảng viên tạo nên một cách thống nhất và tự giác chứ không phải là thứ tập trung được thiết lập một cách hình thức, gò ép, khuôn cứng hay cưỡng bức nào đó. Và tất nhiên, nó khác hẳn, thậm chí đối lập với mọi thứ: tập trung quan liêu, độc đoán chuyên quyền; tập trung nhằm trấn áp cấp dưới, trấn áp đảng viên, thoát ly cơ sở, xa rời thực tiễn; tập trung theo kiểu hình thành “đẳng cấp” trong Đảng.
Mặt khác, dân chủ phải hướng tới tập trung, bảo vệ và giữ vững tập trung, tức là việc bảo vệ và tôn trọng vô điều kiện quyền bình đẳng của các đảng viên trong việc bàn bạc, thảo luận và quyết định các công việc của Đảng, không phân biệt đảng viên giữ chức vụ hoặc không giữ chức vụ, đảng viên trẻ hoặc đảng viên có nhiều tuổi Đảng; là sự tự do phát huy mọi sáng kiến, kinh nghiệm của đảng viên, của các tổ chức Đảng nhằm tập trung cao nhất trí tuệ của toàn Đảng. Đó cũng là sự mở rộng những con đường, phương pháp một cách đa dạng và rộng rãi đối với tất cả đảng viên và các tổ chức của Đảng nhằm tạo nên sức mạnh chung bằng sự đoàn kết thống nhất trên cơ sở đường lối chính trị, thực hiện mục tiêu, lý tưởng chung của toàn Đảng chứ không phải là thứ dân chủ cực đoan, dân chủ bắt buộc, dân chủ phe nhóm, dân chủ giả hiệu... mưu toan tạo ra sự chia rẽ bè phái, phân thành “đẳng cấp” hoặc phân tán cục bộ phá vỡ sự đoàn kết thống nhất của Đảng, biến tổ chức đảng thành câu lạc bộ bàn cãi suông, không có hoặc mất khả năng quyết nghị tập trung, hành động thống nhất và bảo vệ kỷ luật nghiêm minh.
Qua thực tiễn, càng khẳng định, nguyên tắc tập trung dân chủ là một chỉnh thể không thể chia cắt dù xét dưới bất kỳ góc độ nào trong việc hoạch định đường lối chính trị. Tập trung đúng đắn phải dựa trên nền tảng dân chủ chân chính và là phương tiện để bảo đảm mở rộng dân chủ đúng đắn; đến lượt mình, dân chủ phải là dân chủ mang tính tập trung, có mục đích, có định hướng, có lãnh đạo và tổ chức. Tập trung là tiền đề, là điều kiện quy định tính chất và trình độ của dân chủ cũng như đến lượt nó, dân chủ là tiền đề và điều kiện quyết định trình độ và sự kết tinh chín muồi của tập trung. Dân chủ trong việc bàn thảo càng rộng rãi và sâu sắc thì sự tập trung trong những quyết sách chính trị của Đảng càng được củng cố và phát triển không ngừng; và tập trung trong Đảng càng trở thành một khối vững chắc thì càng bảo đảm sự phát triển của dân chủ và hiệu quả dân chủ trong thảo luận ngày càng cao.
Nguyên tắc tập trung dân chủ (hoặc dân chủ tập trung) luôn là một chỉnh thể toàn vẹn hữu cơ, xét cả về cấu trúc lẫn nội hàm, cả về logic hình thức lẫn logic biện chứng. Đó là điều rõ ràng. Hơn nữa, qua thực tiễn hoạt động của Đảng bản thân nó không phải là thứ nguyên tắc tự thân nào đó mà là nguyên tắc hành động. Do đó, qua thực tiễn hàng thế kỷ tôi luyện và thử thách, nó không ngừng chứng tỏ sự bền vững và tính tất yếu đối với sự sinh thành và phát triển của các đảng vô sản chân chính nói chung, Đảng ta nói riêng. Đó là điều không còn phải hồ nghi. Bài học cũng cho thấy, những ai cố tình phủ nhận hoặc chia cắt hoặc làm biến dạng nó đều không thể chấp nhận được, dù ở mức độ hay tính chất nào đó.
Chính sự kiên định thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ một cách sáng tạo, Đảng ta đã xây dựng thành công đường lối chính trị độc lập, tự chủ, phù hợp với yêu cầu của mỗi thời kỳ lịch sử và giải quyết thành công những đòi hỏi phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta, phù hợp với xu thế thời đại, một cách thống nhất và hiệu quả. Đặc biệt ở những thời kỳ cách mạng gặp khó khăn nhất, ở những bước ngoặt của lịch sử gay cấn nhất, trên cơ sở vận dụng đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong nguyên tắc lãnh đạo; giữ vững tự phê bình và phê bình trong nguyên tắc sinh hoạt; bảo đảm dân chủ và nghiêm minh trong nguyên tắc kỷ luật…, Đảng ta đã đề ra những quyết sách chính trị đúng đắn, kịp thời và hiệu quả. Đó là bài học lịch sử vô giá trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng ta, dù chưa cầm quyền hay cầm quyền, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nói khái lược, sự nhận thức khiếm khuyết, cứng nhắc nhất định dẫn tới sự lệch lạc, phiến diện, thậm chí lợi dụng nguyên tắc hoạt động này nhằm mưu đồ cá nhân và phe nhóm, gây nên tình trạng chia cắt, thậm chí cát cứ trong Đảng. Tuyệt đối hóa dân chủ sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật; ngược lại, tuyệt đối hóa tập trung dẫn đến quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, vô hình bóp nghẹt, thậm chí thủ tiêu dân chủ, sức sáng tạo và khoanh vùng hóa kỷ luật. Nguy hại nhất là nảy nòi những biến thể dân chủ: Dân chủ hình thức, dân chủ bắt buộc, dân chủ giả hiệu và dân chủ vô chính phủ. Ngược lại, khi dân chủ bị thủ tiêu thì tập trung “lên ngôi” hoành hoành và lũng đoạn: Độc đoán, gia trưởng, óc quân phiệt, anh hùng nhất khoảnh, óc ông tướng, bà tướng… Thực thi dân chủ nhưng không bảo đảm song trùng với tuân thủ kỷ luật dẫn đến tình trạng nói và làm tùy tiện, kỷ cương lỏng lẻo, kỷ luật và pháp luật bị bóp méo hoặc buông trôi. Tình trạng đó dẫn tới tâm lý ngại ngần, không dám đấu tranh, không dám nói khác, làm khác ý kiến người đứng đầu cấp ủy và tổ chức khiến cho dân chủ bị vô hiệu hóa; thậm chí, gây nên tình trạng “chia bè kéo cánh” nói xấu, đả kích lẫn nhau, chia rẽ nội bộ, cát cứ các nhóm trong Đảng. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo” rơi vào hình thức, còn “cá nhân phụ trách” trở thành người độc quyền dẫn đến hiện tượng lệch lạc, vô lối là “cá nhân lãnh đạo, tập thể chịu trách nhiệm”(!).