Dân là gốc và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay

Bài 1: Những thách thức phát triển của thời đại và mệnh đề phát triển của đất nước

- Thứ Sáu, 06/10/2023, 11:32 - Chia sẻ

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Lời tòa soạn: Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với xung lực mạnh mẽ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự vận động của thế giới với những thời cơ và nguy cơ chuyển hóa khôn lường đã và đang đặt ra thách thức, hoặc tụt hậu, hoặc bứt lên để làm chủ thời cuộc, làm chủ vận mệnh và trở nên hùng cường. Trong rất nhiều vấn đề như vậy, chưa bao giờ vấn đề “Dân là gốc” của nước, “Dân là trung tâm” của mọi quyết sách và vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến lược phát triển đất nước đòi hỏi một tầm nhìn mới, quyết sách mang tầm chiến lược như hiện nay.

Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, xoay quanh chủ đề cấp thiết và quan trọng này. 

Cái gì làm nên đất nước? Nhân tố gì quyết định sự hưng phế, số phận mất còn của Tổ quốc? Xưa, những câu hỏi đó thách thức lịch sử dân tộc. Nay, những câu hỏi đó vẫn đang đặt ra trên con đường phát triển của quốc gia hiện nay và tương lai! 

Chúng ta đang sống và hành động, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với xung lực mạnh mẽ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang tầm vóc thế kỷ. Tất cả sự phức tạp của sự vận động của thế giới với những thời cơ và nguy cơ chuyển hóa khôn lường của một “thế giới phẳng” và không phẳng đã và đang đặt ra, thách thức chúng ta: hoặc tụt hậu, hoặc bứt lên để làm chủ thời cuộc, làm chủ vận mệnh của chính mình và trở nên hùng cường.

Có thể nói, trong rất nhiều vấn đề, chưa bao giờ vấn đề “Dân là gốc” của nước, “Dân là trung tâm” và vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến lược phát triển đất nước đòi hỏi một tầm nhìn mới, một quyết sách mang tầm chiến lược như hiện nay.

Các thách thức lớn

Chúng ta đang sống trong một thế giới “phẳng” mà không phẳng khi xu thế hòa hoãn, hòa dịu trong các mối quan hệ quốc tế đang là chủ đạo, với một trật tự thế giới mới, đa cực, nhiều trung tâm. Các nước đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển, lấy kinh tế làm trọng điểm. Nhưng đồng thời, ở nhiều khu vực vẫn đang xảy ra những vụ xung đột quân sự hoặc nội chiến giữa các phe phái.

Sự thay đổi trong quan hệ Bắc - Nam, trong đó vai trò của các nước vừa và nhỏ đã tăng lên đáng kinh ngạc. Độ lớn về địa lý, quy mô kinh tế và triển vọng phát triển là những nhân tố quyết định để khu vực châu Á - Thái Bình Dương vươn lên trở thành trung tâm địa - chính trị toàn cầu. Cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn nhằm định hình lại trật tự thế giới diễn ra ngày càng phức tạp và căng thẳng dưới nhiều hình thức, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay làm cho nguy cơ diễn biến trở thành cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới ngày càng khó đoán định. Sự phân hóa trong nội bộ các liên minh sau đại dịch Covid - 19 và cuộc xung đột chiến tranh này ngày càng đa diện. 

Những tiến bộ xã hội và dân chủ hóa cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm đa dạng hóa chủ thể (doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân) và hình thức tham gia xã hội (tham gia trực tuyến, mạng xã hội, công dân toàn cầu, cư dân mạng...), tạo nên sự chồng lấn, đan xen giữa thế giới thực và thế giới ảo... ngày càng đa dạng, phức tạp đối với xã hội. Cách mạng khoa học - công nghệ mở ra cơ hội vô hạn, nhưng cũng đang làm gia tăng tính bình đẳng và dân chủ trong các quan hệ giữa quản lý và đối tượng quản lý… đòi hỏi sự thay đổi phương thức giao tiếp quan trọng của tất cả các mối quan hệ trong xã hội và quan hệ quốc tế.

Đó vừa là thời cơ, vừa là thách thức từ bên ngoài đối với các dân tộc khi bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI. Việt Nam không thể đứng ngoài tình hình đó.

Nửa nhiệm kỳ thứ XIII (2021-2026) ở trong nước, công cuộc phục hồi và tái thiết nền kinh tế tăng với tốc độ không như mong muốn, lại tiếp tục đối diện với di họa hậu Covid-19, sự tác động xấu của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, nhất sự phá sản tăng vọt của cách doanh nghiệp lớn thế giới làm đứt gãy các chuỗi giá trị và nguy cơ khủng hoảng quay trở lại, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%. Nếu không đổi mới kiến tạo và thực thi triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, trung tâm là kinh tế đồng hành với xã hội, nhất định sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào như mong muốn, trước mắt tới năm 2026.

Mặt khác, chúng ta đối diện với nguy cơ cơn bão “già hóa” dân số đang thách thức lộ trình phát triển mang tầm chiến lược tới năm 2030: Đạt 100 triệu người vào 1.4.2023. Ưu thế “dân số vàng” kể từ 1993 đã dần đi qua, chỉ còn 16 năm trong tầm nhìn 2040. Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và sẽ lâm vào cơn bão già hóa, trở thành nước có dân số già vào năm 2036, với đỉnh dân số đạt 107 triệu người vào năm 2051. Nếu không tận dụng thời cơ “dân số vàng”, sẽ càng rất khó khăn khi đất nước bước vào ngưỡng cửa của sự già hóa dân số từ năm 2036. Hiện nay, tuổi thọ bình quân gần 74, số người 65 tuổi chiếm 9% số dân, xếp thứ 3 về số người cao tuổi, trong khi mức thu nhập bình quân chỉ đứng thứ 6 của khu vực Đông Nam Á. Chúng ta phải tiên liệu và chuẩn bị lực lượng cơ bản về nguồn nhân lực tương xứng để đi xa!

Đồng thời, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trực tiếp và nóng bỏng là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có ý nghĩa quyết định sự phát triển của đất nước, nhưng rất nan giải, đặt ra không ít thách thức. Tác động của phát triển kinh tế, nhất là ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phân tầng xã hội, nhất là sự thăng trầm của đạo đức trong hệ thống chính trị và trên tầm vĩ mô xã hội diễn ra mạnh mẽ, phức tạp đã và đang làm đảo lộn các giá trị quyền lực, khiến cho việc đổi mới, chỉnh đốn hệ thống chính trị ngày càng khó khăn và khó lường. Sự nổi lên và tác động của làn sóng dân túy đã, đang khiến cho cuộc chỉnh đốn về mặt chính trị và kinh tế nhằm ngăn chặn và dỡ bỏ lợi ích nhóm, tình trạng cát cứ, thậm chí vô nguyên tắc thêm khó khăn…

Trong các mối quan hệ quốc tế, việc cảnh giới sự bành trướng của chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ kết hợp với việc đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc đã và đang tác động lớn đến các cơ chế hợp tác đa phương, thách thức tinh thần tự quyết của dân tộc là công việc không thể đứng hàng thứ hai. Sự cân bằng quyền lực trong các mối quan hệ quốc tế thực sự là những công việc cấp bách, không thể lảng tránh nhưng rất cơ bản và quan trọng đang thách thức chúng ta trong quá trình phát triển một cách độc lập và bình đẳng trong các mối quan hệ quốc tế. Đồng thời, một cách tự nhiên chúng ta đứng trong chỉnh thể thế giới; một cách tất yếu, chúng ta hành động vì thế giới!

5 mệnh đề phát triển lớn

Sau hơn 37 năm thực thi công cuộc đổi mới từ toàn diện tới toàn diện và đồng bộ cấp bách đòi hỏi không ngừng đổi mới tư duy phát triển mang tầm chiến lược, chuẩn bị lực lượng chiến lược phát triển và bảo vệ quốc gia: về tầm nhìn, định vị đất nước, quyết sách chính trị chiến lược, chuẩn bị những điều kiện cần và đủ… tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, ngang tầm phát triển của thời đại.

Hơn 78 năm thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, khởi đầu và đi từ thể chế Dân chủ cộng hòa, nhất là trong gần 37 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang tiến những bước dài trong lịch sử của mình và hội nhập quốc tế. Nhưng nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển mới giữa điều kiện toàn cầu hóa, trong tầm nhìn tới năm 2030, trong rất nhiều vấn đề, nổi bật 5 yêu cầu lớn nhất không thể không tiếp tục trả lời, phát triển triết lý của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn. 

Một là tự do. Đất nước độc lập, nhưng Nhân dân phải được hưởng hạnh phúc tự do, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn, thì phát triển tự do đang là một chân trời lớn nhưng tất yếu, đầy khó khăn và cả chông gai, song chúng ta quyết đi tới, bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.  

Hai là dân chủ. Hơn 78 năm qua, mệnh đề đó làm nên tiêu ngữ của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa, là mục tiêu của thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng dân chủ từ nghĩa nguyên khai “Demoskratos” (chính quyền của nhân dân) tới thực tiễn vẫn đang là một trong những mệnh đề lớn nhất cần nỗ lực tiến tới trong mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dưới chế độ chính trị chúng ta.     

Ba là pháp quyền. Dân chủ không thể không được bảo đảm bằng pháp quyền. Đó là bản chất của Nhà nước dân chủ của ta, khi lấy pháp luật làm thượng tôn. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Không có pháp quyền càng không thể nói tới dân chủ hay tự do chân chính nào. Đó là thách thức đối với chúng ta. 

Bốn là văn hóa. “Quốc pháp vô thân”, “quốc pháp thượng tôn”… Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không một thể chế chính trị nào, cho dù hoàn bị và khả thi tới bao nhiêu, có thể vận hành thành công trên một nền tảng văn hóa, trực tiếp là đạo đức không tương dung. Hiện nay, vấn đề đạo đức vẫn đang trở thành vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay cả ở tầm vĩ mô tới mức độ vi mô, cả xã hội tới mỗi cá nhân, không kém sự khắc nghiệt, thăng trầm của chính sự phát triển kinh tế... cần xây dựng và thực thi. Sự băng hoại về đạo đức nhất định dẫn tới băng hoại về chính trị. Văn hóa, trực tiếp là đạo đức cá nhân trong đạo đức xã hội, phải là nền tảng và động lực để đất nước đi xa và bền vững, để mỗi người xứng đáng là một người Việt Nam văn hiến.

Năm là hạnh phúc. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh và hiện đại. Tăng trưởng kinh tế, dù rất quan trọng, nhưng chỉ là phương tiện. Đất nước Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục… là những phẩm chất mà chúng ta cần hướng tới và xây dựng vì hạnh phúc của Nhân dân. Không vì hạnh phúc của Nhân dân thống nhất với lợi ích của dân tộc tối thượng thì mọi sự phát triển, dù mạnh, dù nhanh, cũng trở nên mong manh. Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc phù hợp với bước đi của thế giới, mạnh mẽ nhưng bền vững. Có thể nói, đó chính là hệ giá trị mang tầm chiến lược phát triển Việt Nam. Thiếu những vấn đề cốt tử đó, chúng ta khó có thể có xây dựng tầm nhìn chính trị xa rộng và những quyết sách chính trị đúng đắn và tương hợp thời cuộc.

Sức mạnh Nhân dân vô địch 

Trong trời đất, không gì quý bằng Nhân dân; trong nước Việt Nam dân chủ, thì địa vị cao nhất là Dân, Dân là quý nhất, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất. Không có Nhân dân không thành dân tộc và không có đất nước.

Trải mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta từng bước qua 13 cuộc chiến tranh xâm lược sinh tử lớn nhất, hung bạo nhất đến từ mọi phía ở các thời đại. Dẫu vậy, “Nước Việt Nam từ trong máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Bởi chân lý muôn đời vẫn vằng vặc soi: “Nghìn muôn ức triệu người trong nước/ Xây dựng nên cơ nghiệp nước nhà/ Người Dân ta, của Dân ta/ Dân là Dân nước, nước là Nước Dân.../ Sông phía Bắc, bể phương Đông/ Nếu không Dân cũng là không có gì”. Nhân dân là cội rễ của mọi thể chế, là nhân tố căn bản quyết định làm nên quốc gia, sức mạnh vô địch và trường tồn của dân tộc. Thế mới thật thấm thía rằng, Quốc gia mất hay còn, Đất nước thành hay bại, Dân tộc hùng cường hay bạc nhược… rõ ràng muôn sự ấy ở tại Nhân dân!

Nhớ năm 938, sau cả nghìn năm Bắc thuộc, thiên thời, địa lợi, thậm chí không hơn trước đó, vì giặc dữ lại cả gan xâm lấn, nhưng bởi “nhân hòa”, với những đứa con sinh từ một bọc trứng Mẹ Âu Cơ ấy, đã làm nên một trận Bạch Đằng giang đỏ ngầu máu giặc, mở ra thời kỳ độc lập nước Nam ta! Năm 1076, cũng thế, một trận huyết chiến bên sông Như Nguyệt, bằng thế trận lòng dân của đồng bào, cha con nước Việt, đã bất khuất bố cáo khắp trong gầm giời: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”! Mỗi Con Người, cả cộng đồng thức dậy, toàn Dân tộc vùng lên! Người định thiên hạ chứ đâu có nệ “Mưu sự tại nhân” mà ngóng trông “Thành sự tại thiên”! Sức Dân đấy chứ! Thể chế nào giữ được Lòng Dân, thể chế ấy giữ yên thiên hạ!

Lại nhớ năm 1945. Chỉ với 20 triệu đồng bào, nhưng quyết “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, chỉ 16 ngày, Dân tộc đã làm một cuộc bẻ gãy xích xiềng nghìn năm phong kiến, cắt phăng vòng nô lệ thực dân quàng cổ Dân ta ngót 80 năm chấn động lịch sử. Mưu người tính, sức người bình định giang san xã tắc, lấy lại nền độc lập, chứ đâu trông đợi “Thành sự tại thiên”! Lòng Dân như sóng cuộn vùi lấp ngoại xâm đấy chứ! Không lực lượng nào to lớn và vô địch bằng Lòng Dân.

Rồi năm 1946. Mở đầu 9 năm dân tộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai, thiên cũng chưa thời (đất nước bị bao vây, lại bốn bề giặc dữ lăm le), địa càng chưa lợi (một mảnh đất ATK nhỏ bé làm đất đứng chân), nhưng chung cuộc kháng chiến trường kỳ đã thành công! Bởi 6 chữ, mà 2 chữ đầu tiên không phải là bất cứ điều gì khác mà là: Toàn Dân rồi mới tới Toàn diện, Trường kỳ! Nhiều chữ Người viết hoa hợp lại thành Quần chúng và gọi Nhân Dân! “Chúng chí thành thành” vô địch! Ý Dân, Lòng Dân, Sức Dân như bức tường thành giữ nước!

Dân tộc Việt Nam vượt lên theo mỗi thời gian, khi tiến khi thoái, biến thời thành thế, nhân lên sức mạnh..., mà vượt qua mọi nguy nan, tồn tại, phát triển và khẳng định mình trước hoàn cầu. Do thế, mà lịch sử đã hun đúc và kết thành chân lý: Mưu sự tại nhân, thành sự tại Dân!

Không có Nhân dân không thành Dân tộc, Tổ quốc chúng ta không có gì cả. Quốc gia thịnh suy, đất nước còn mất ở khắp mọi thời, há chẳng phải do Dân định đoạt đó sao?  

Quốc bảo Lòng Dân! Đó chính là Bảo vật Quốc gia - cái tôn quý nhất của Đất nước, tài sản lớn nhất của cách mạng nước nhà! 

#