Phiên họp thứ Mười một của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phân bổ ngân sách 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Nhanh, đúng mục tiêu, nguyên tắc

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 12:54 - Chia sẻ

Tại phiên họp sáng nay, 13.5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc triển khai phân bổ vốn thực hiện cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm. Do đó, cần đẩy nhanh nhưng phải đúng mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà các Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra.

Phân bổ ngân sách 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Nhanh, đúng mục tiêu, nguyên tắc -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Đã và đang thực hiện đúng quy định

Theo báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự kiến phương án phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày, về phạm vi phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, ngành, địa phương. Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn đầu tư công mà không đề cập đến phân bổ vốn sự nghiệp trung hạn là đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Trong thực tiễn đã và đang thực hiện đúng quy định, phân bổ vốn sự nghiệp (thuộc chi thường xuyên) trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và xem xét kế hoạch ngân sách 3 năm (cuốn chiếu). Vì vậy, nhất trí với tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn 100.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, ngành, địa phương, làm cơ sở cho việc phân bổ dự toán đầu tư công hàng năm của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phân bổ ngân sách 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Nhanh, đúng mục tiêu, nguyên tắc -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quang Khánh

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (50.000 tỷ đồng), Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, song đề nghị cần rà soát, tuân thủ nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (18.000 tỷ đồng), trước hết là việc phân bổ cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (96 tỷ đồng) để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, xây dựng cơ sở dữ liệu lao động mang tính tổng thể, vì vậy, đề nghị cân nhắc không bố trí vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung này. Ngoài ra, Chính phủ dự kiến bố trí 17.904 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện các nội dung thuộc dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) và dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc). Tuy nhiên, Chính phủ chưa làm rõ nguyên nhân chỉ tập trung bố trí cho dự án 1 và dự án 4 mà không dành nguồn để bố trí đối với dự án 2 và 3, 5, 6 và 7 của Chương trình.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, phương án phân bổ vốn Chính phủ trình cơ bản đã bám sát tiêu chí, nguyên tắc theo quy định. Do vậy nhất trí với phương án Chính phủ trình, tuy nhiên đề nghị ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững.

Việc triển khai phân bổ vốn còn chậm

 Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đối với chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay các thủ tục để giải ngân chưa bảo đảm trong khi còn hơn 3 năm nữa phải giải ngân số tiền rất lớn. Do đó, đề nghị tại Kỳ họp thứ Ba tới, Chính phủ cần có báo cáo nêu rõ đánh giá, giải trình, nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chậm ở đâu, chậm bộ ngành nào, địa phương nào.

Phân bổ ngân sách 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Nhanh, đúng mục tiêu, nguyên tắc -0
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất chậm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có lộ trình, kế hoạch từng năm và cả giai đoạn 2021-2025, có kiểm điểm, quy trách nhiệm. Đồng thời, Chính phủ cần có bảng phân công, tổ chức triển khai thực hiện rõ ràng để báo cáo Quốc hội vào Kỳ họp thứ Ba, nhìn nhận lại những hạn chế, thiếu sót trong những năm qua và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới hiệu quả hơn.

Cho rằng 3 chương trình mục tiêu quốc gia là hết sức quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng và tác động rộng lớn đến đối tượng thụ hưởng, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc triển khai phân bổ vốn thực hiện vẫn đang chậm. Nghị quyết của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành cách đây 2 năm, còn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ban hành cách đây hơn 1 năm. Như vậy, có 5 năm để thực hiện nhưng đến nay vẫn "đang loay hoay". Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba quyết định lựa chọn chuyên đề để giám sát tối cao 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023 nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nếu có trong quá trình triển khai thực hiện. Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, sự chậm trễ đó ở đâu và thuộc trách nhiệm của ai. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan phải quán triệt ý thức trách nhiệm của mình đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần làm nhanh nhưng phải đúng mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà các Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra. Đề nghị cơ quan thẩm tra và Chính phủ rà soát kỹ và tuân thủ theo các Nghị quyết của Quốc hội, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm và giải trình, báo cáo rõ với Quốc hội về nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chậm báo cáo và phân bổ vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ báo cáo Quốc hội để đưa vào chương trình giám sát năm 2023 về nội dung này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện phương án phân bổ vốn. Việc phân bổ vốn phải tuân thủ điều kiện, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, không chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ chi; bảo đảm cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên trong phạm vi tổng mức vốn, cơ cấu vốn ngân sách của từng chương trình đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Nghị quyết số 34/2021/QH15 và Nghị quyết số 40/2021/QH15 của Quốc hội.

P. Thủy