Để mọi người dân được thụ hưởng thành quả của hội nhập quốc tế

- Thứ Tư, 10/02/2021, 06:52 - Chia sẻ

Trò chuyện với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Xuân Tân Sửu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại NGUYỄN VĂN GIÀU chia sẻ, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, hoạt động đối ngoại của Quốc hội mang đậm dấu ấn đổi mới. Quốc hội đã phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế và thông qua nhiều dự án luật nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục đích là mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều hơn thành quả từ công cuộc hội nhập quốc tế.

	Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên họp của Hội đồng Điều hành IPU. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu tại Phiên khai mạc AIPA 41
Ảnh: Lâm Hiển

Linh hoạt, tương tác để mang lại lợi ích cao nhất 

- Một trong những điểm nhấn của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV là quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thực chất. Đồng hành với quá trình đó của đất nước, công tác đối ngoại của Quốc hội có đóng góp như thế nào, thưa ông?

- Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã xem xét phê chuẩn 8 điều ước quốc tế rất quan trọng, tác động toàn diện đến công cuộc đổi mới và phát triển bền vững đất nước, được xem là động lực mới trong phát triển đất nước. Trong đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định mà chúng ta trải qua hơn 12 năm đàm phán, ký kết. Việc tham gia hiệp định này cũng mở ra chương mới đối với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của nước ta. Sau khi phê chuẩn CPTPP, Quốc hội đã phê chuẩn FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Quốc hội cũng đã phê chuẩn việc tham gia 2 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Như vậy, trong 8 công ước cơ bản của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, chúng ta đã gia nhập 7 công ước (chỉ còn Công ước 87 về tự do hiệp hội dự kiến sẽ gia nhập trong năm 2023)…

Ảnh: Thanh Chi

"Làm công tác đối ngoại thì những cá nhân hoạt động đối ngoại có vai trò cực kỳ quan trọng. Đối với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mỗi lần Chủ tịch Quốc hội nước ta tham dự, phát biểu tại các diễn đàn nghị viện quốc tế có thể thấy rõ sự tín nhiệm và tin tưởng của các nước dành cho Việt Nam, Quốc hội Việt Nam. Thậm chí, có những diễn đàn, mặc dù ban tổ chức sắp xếp thứ tự phát biểu cho khách mời, nhưng với Việt Nam, họ sẵn sàng mời Chủ tịch Quốc hội nước ta phát biểu sớm hơn… Có thể có ý kiến cho rằng như thế là hết sức bình thường, nhưng thực tế điều này đã khẳng định uy tín, vị thế của Quốc hội Việt Nam cũng như cá nhân người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ta được đánh giá cao. Mặc dù thời gian công tác tại Quốc hội mới 10 năm, nhưng tôi luôn cảm thấy rất tự hào khi là người của Quốc hội Việt Nam và cũng yêu thích môi trường làm việc ở đây, vì rằng trí não của mình luôn được vận động, thử thách, kích hoạt và tạo nguồn cảm hứng, hưng phấn khi lao vào công việc". 

Chủ nhiệm ủy ban đối ngoại NGUYỄN VĂN GIÀU

Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra 2 dự án luật, gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; tham gia thẩm tra 31 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết của Quốc hội và 2 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhìn chung, các dự án luật, điều ước quốc tế do Ủy ban Đối ngoại chủ trì hoặc tham gia thẩm tra đều đạt chất lượng cao, đóng góp quan trọng phục vụ công tác hội nhập quốc tế và quản lý các hoạt động đối ngoại của quốc gia, nội luật hóa các cam kết quốc tế. Hầu hết các dự án luật, điều ước quốc tế do Ủy ban Đối ngoại chủ trì thẩm tra đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành 100% số đại biểu có mặt.

- Những kết quả này có ý nghĩa như thế nào trong tổng thể quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, thưa ông?

- Việc Quốc hội phê chuẩn tham gia các điều ước quốc tế cũng như thông qua các dự án luật nhằm nội luật hóa những vấn đề được quy định trong các cam kết điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là việc đương nhiên chúng ta phải triển khai đúng theo lộ trình. Song, quan trọng hơn, có những vấn đề dù không cam kết thực hiện nhưng chúng ta cũng đã tự rà soát điều chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật để phù hợp với quá trình hội nhập theo tư duy và đường lối đổi mới của Đảng ta, nhất là thực hiện đột phá “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường giúp chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, khi nói về quá trình hội nhập thì không chỉ liên quan đến các khía cạnh kinh tế, mở rộng thị trường hay thu hút đầu tư mà còn liên quan tới rất nhiều lĩnh vực phi thương mại như: Sở hữu trí tuệ, lao động, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, xử lý khiếu nại, phòng chống tham nhũng… Mục đích cuối cùng của hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là để mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều hơn thành quả của quá trình này: Có nhiều hàng hóa hơn, chất lượng hàng hóa tốt hơn, giá cả rẻ hơn; người sản xuất hàng hóa của Việt Nam có thị trường với giá bán tốt hơn, bán được nhiều hàng hóa hơn; Nhà nước có khả năng thu thuế nhiều hơn, đóng góp tăng trưởng GDP cao hơn và đặc biệt, lao động của chúng ta có việc làm ổn định hơn, tỷ lệ thất nghiệp càng ngày càng ít.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội có tính bổ trợ và không thể tách rời ba chức năng quan trọng của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp năm 2013 là lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Ngoại giao nghị viện hoạt động với phương châm linh hoạt, mềm mại, tương tác, bảo đảm mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước - dân tộc.

“Duyên” làm đối ngoại

- Với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, gần 5 năm làm quyền Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy, 5 năm làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc ông được Quốc hội bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại - một lĩnh vực hoàn toàn mới, có lẽ là “ngã rẽ” khá bất ngờ và thú vị, thưa ông?

 - Việc chuyển công tác sang lĩnh vực mới làm cho con người ta thay đổi rất lớn về nhận thức và phương pháp làm việc nhằm thích ứng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao và của cử tri giao phó. Bản thân tôi rất lo lắng khi mới chuyển sang làm đối ngoại Quốc hội, bởi trước đó, tôi có nhiều năm ông tác trong ngành ngân hàng - một ngành rất đặc thù về nghiệp vụ chuyên môn và có đội ngũ hàng nghìn cán bộ tham mưu - còn khi hoạt động chuyên trách ở Quốc hội chỉ có một số ít cán bộ giúp việc, vai trò tự làm của mình cao lắm, nói cách khác luôn đòi hỏi mình phải có sự hiểu biết như một chuyên gia, một cán bộ tác nghiệp thực thụ.

Một số người cũng tỏ ra nghi ngờ khi tôi chuyển sang làm lĩnh vực đối ngoại Quốc hội. Nhưng lúc đó một đồng chí lãnh đạo nói với tôi rằng “anh làm việc kinh qua nhiều lĩnh vực đối nội như làm công tác Đảng, lãnh đạo toàn diện địa phương, người lãnh đạo và đứng đầu ngành kinh tế tổng hợp - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là một chuyên gia kinh tế, thì chuyển sang hoạt động lĩnh vực đối ngoại chắc không gặp trở ngại gì”… Đến giờ phút này nhìn lại, có lẽ trên thế giới, tôi là người vinh dự duy nhất từng nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của 3 tổ chức tài chính đa phương quyền lực nhất thế giới là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nói về duyên làm đối ngoại thì khi chuyển sang làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tôi trúng cử vào Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Thế giới và sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch của tổ chức này. 

Với tôi, thì dù làm ở đâu, trong lĩnh vực nào hay trên cương vị gì đi nữa, tôi luôn cố gắng học hỏi - “làm chỗ nào, học chỗ đấy”. Có người đùa tôi là “tay ngang nhưng làm cũng đình đám”, nhưng tôi nghĩ đối ngoại chưa chắc đã là nghề “tay ngang” của tôi. Xét về kinh nghiệm hoạt động lĩnh vực đối ngoại, tôi đã có khoảng thời gian trải nghiệm khá dài. Khi còn công tác trong ngành ngân hàng, có thể nói ngày nào tôi cũng “tiếp Tây”: Tiếp các đối tác, các tổ chức tài chính quốc tế, có điều kiện đi công tác nhiều ở nước ngoài và nhất là rút ra nhiều kinh nghiệm khi thực hiện trọng trách Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của 3 tổ chức tài chính quốc tế.

- Những kinh nghiệm đó đã giúp ích gì cho ông trong thời gian đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại?

- Hoạt động của Quốc hội nói chung, trong đó có hoạt động đối ngoại của Quốc hội là cực kỳ khó, đòi hỏi mình phải luôn nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện bản thân rất nhiều, phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng nói chung và chủ trương, đường lối đối ngoại nói riêng, giữ vững bản lĩnh chính trị, hiểu biết diễn biến thế giới, hiểu biết sâu rộng đất nước, kỹ năng, cách ứng xử, khẩu khí, thần thái.

Tôi tâm niệm làm đại biểu Quốc hội là phải nói chuẩn, làm chuẩn; nói được, làm được. Song nếu làm đối ngoại nghị viện thì càng phải hiểu biết nhiều hơn nữa. Bởi lẽ, khi làm việc với đối tác quốc tế, họ có thể hỏi rất nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình đất nước chứ không hẳn chỉ hoạt động đối ngoại Quốc hội. Chẳng hạn, tại sao trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 như năm 2020 mà Việt Nam lại đạt mức tăng trưởng 2,91% và được đánh giá thuộc nhóm nước thành công nhất trong việc kiểm soát sự lây lan đại dịch Covid-19? Tại sao thế giới chủ yếu tăng trưởng âm, riêng Việt Nam đạt tăng trưởng dương? Tại sao năm 2020, Việt Nam xuất siêu 20 tỷ USD? Hay tại sao xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam vẫn đạt con số kỷ lục 41,2 tỷ USD? Tại sao Việt Nam tổ chức rất thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 2020 bằng hình thức họp trực tuyến? Tất cả những “tại sao” đó đòi hỏi mình phải nắm được hết và hiểu rõ nội hàm để trả lời với bạn bè quốc tế một cách thuyết phục nhất.

- Như ông vừa chia sẻ thì làm đối ngoại là “duyên”, nhưng để làm tốt, làm hay thì chắc chắn phải có“bí quyết”?

- Với tôi, nếu mỗi công việc triển khai thì đồng thời phải nghĩ ra được 5 - 7 câu trả lời, 5 - 7 phương án thực hiện để chọn lựa phương án tối ưu thì ắt sẽ làm tốt. Còn nếu một việc mà chỉ nghĩ ra có một câu trả lời, một phương án thì khó có thể hoàn hảo. Qua việc tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 thành công, chúng tôi cũng rút ra nhiều bài học, phải chuẩn bị nhiều phương án. Nếu thấy nhiệm vụ trước mắt cái gì cũng khó thì chúng ta sẽ nỗ lực, cố gắng làm hết sức mình để đạt được hiệu quả tốt nhất. Nhưng nếu cho rằng nhiệm vụ đặt ra trước mắt dễ quá thì có khi chưa chắc đã thành công như mong đợi.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật An thực hiện