Tranh luận thẳng thắn, tôn trọng khác biệt

- Thứ Ba, 09/02/2021, 06:44 - Chia sẻ

Chia sẻ về công việc hậu trường của một trong những “công xưởng” bận rộn nhất Quốc hội, CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG cho biết, cùng với việc không ngừng đổi mới cách thức làm việc, Ủy ban luôn chú trọng phát huy trí tuệ các thành viên Ủy ban, khuyến khích tranh luận thẳng thắn, thể hiện rõ chính kiến, tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm chuyên môn để tìm ra phương án tối ưu trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao đổi với các đại biểu tại phiên họp của Ủy ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41
Ảnh: Q. Khánh

Đóng góp quan trọng cho sự vận hành Nhà nước kiến tạo

- Từ góc độ cơ quan “gác cổng” cho Quốc hội về công tác lập pháp, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chức năng này của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIV? 

- Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, công tác lập pháp của Quốc hội tiếp tục được chú trọng, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa văn kiện Đại hội lần thứ XII, nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Quốc hội đã xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 72 luật và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Thông qua công tác lập pháp, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng đã được thể chế hóa, triển khai trên thực tế và có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, khẳng định đóng góp quan trọng của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền và sự vận hành Nhà nước kiến tạo phát triển.

		Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

Công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Khóa XIV cũng gắn với những đổi mới quan trọng của quy trình lập pháp như: Tách bạch các công đoạn xây dựng chính sách và soạn thảo, đổi mới công tác lập chương trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia. Với vai trò là chủ thể chính chuẩn bị, trình các dự án luật, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, có nhiều giải pháp tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng soạn thảo các dự án luật cũng như ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành sau khi luật được thông qua. Chất lượng công tác thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được nâng lên, bảo đảm cơ sở khoa học, thực tiễn, có tính phản biện cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chú trọng chỉ đạo triển khai chương trình, dành nhiều thời gian cho ý kiến về các dự án luật, có thông báo kết luận cụ thể sau mỗi phiên họp, làm cơ sở để tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo văn bản trình Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến lập pháp, trình dự án luật, tham gia thảo luận, tranh luận sôi nổi, trách nhiệm, thể hiện rõ chính kiến tại các phiên họp Quốc hội và hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về nội dung từng dự án…

Những kết quả đáng trân trọng nêu trên đạt được là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Đảng; sự nỗ lực, chung sức của không chỉ các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, mà còn của tất cả các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc tận tâm, tận lực. Điều đó đã góp phần tạo nên những dấu ấn quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV.

- Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những dấu ấn trong công tác lập pháp của Quốc hội tại nhiệm kỳ Khóa XIV?

- Trước hết, về tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, tạo nền tảng cho việc tiếp tục cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, bước đầu hình thành các mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Thứ hai, pháp luật về đầu tư, kinh doanh được hoàn thiện một bước căn bản với việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Bảo vệ môi trường...

Thứ ba, quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp tiếp tục được cụ thể hóa, xác lập cơ chế bảo đảm thực hiện đầy đủ hơn thông qua việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; sửa đổi, ban hành mới Bộ luật Lao động, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tố cáo, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... Trong lĩnh vực này, việc chuyển đổi phương thức quản lý dân cư theo số định danh cá nhân thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú theo Luật Cư trú (sửa đổi), thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú là bước đổi mới quan trọng, góp phần bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền hiến định về tự do cư trú của công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới... Các lĩnh vực lập pháp khác cũng đạt được nhiều thành tựu rất đáng trân trọng.

Sớm tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính 

- Được đánh giá là một trong những "công xưởng" bận rộn nhất của Quốc hội, có thể hình dung công việc ở hậu trường của Ủy ban Pháp luật như thế nào, thưa ông?

- Tính đến Kỳ họp thứ Mười, nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Pháp luật đã chủ trì thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý 13 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, 8 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa kể các dự thảo nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và điều chỉnh chương trình hàng năm, dự thảo Nghị quyết về sắp xếp, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Trung bình mỗi kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật chịu trách nhiệm chủ trì từ 3 - 5 dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý, chủ trì rà soát kỹ thuật lập pháp trước và sau thông qua nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật đối với các dự án do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra cũng chiếm khối lượng lớn thời gian, công sức của Thường trực Ủy ban và Vụ Pháp luật. Trong đó, có những đạo luật lớn như Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Bảo vệ môi trường... có dung lượng trên 100 trang A4, đòi hỏi phải rà soát cẩn trọng và chỉnh lý trong nhiều ngày mới hoàn thành. Có thể nói, đây là nhiệm vụ thường xuyên và áp lực lớn nhất đối với Thường trực Ủy ban và đơn vị giúp việc, khiến việc làm thêm ngoài giờ để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội trong mỗi kỳ họp là khá phổ biến.

Để thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt chất lượng cao nhất, Thường trực Ủy ban đã tổ chức làm việc trước với cơ quan soạn thảo nhằm nắm bắt thông tin, chính sách lớn của các dự án, làm rõ quan điểm, ý kiến của các bộ, ngành có liên quan; chủ động hoặc phối hợp tổ chức khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật nước ngoài, lắng nghe ý kiến nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, các phương tiện thông tin đại chúng để tập hợp thêm thông tin, tư liệu. Trong các hoạt động của Ủy ban, việc phát huy trí tuệ tập thể được chú trọng, mỗi thành viên Ủy ban Pháp luật được khuyến khích tranh luận thẳng thắn, thể hiện rõ chính kiến, tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm chuyên môn để tìm ra phương án tối ưu trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Ủy ban Pháp luật cũng luôn tìm tòi, đổi mới, cải tiến phương thức làm việc để nâng cao hiệu quả và thích ứng với hoàn cảnh. Điều này thể hiện rõ nhất khi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội phải chuyển đổi phương thức làm việc. Ủy ban Pháp luật là một trong các cơ quan đầu tiên của Quốc hội chủ động áp dụng thành công hình thức họp trực tuyến thông qua máy tính bảng sử dụng phần mềm Quốc hội điện tử, đáp ứng kịp thời yêu cầu thẩm tra, cho ý kiến về các dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, song vẫn bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội. Đến nay, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức 5 phiên họp trực tuyến trong tổng số 33 phiên họp toàn thể Ủy ban của cả nhiệm kỳ.

 - Ngoài các dự án luật, nghị quyết, một phần việc quan trọng khác của Ủy ban Pháp luật trong nhiệm kỳ Khóa XIV và năm 2020 là thẩm tra đề án về việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng vì liên quan đến tổ chức, con người…, thưa ông?

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng nhằm tăng quy mô các đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Nhưng, như chúng ta đã biết, nếu một đơn vị hành chính được chia tách làm hai đơn vị hành chính thì quá trình triển khai về cơ bản là thuận lợi, bởi khi đó tổ chức bộ máy tăng, số lượng lãnh đạo quản lý và biên chế, kinh phí cũng được điều chỉnh tăng. Trong khi đó, nếu thực hiện sắp xếp sẽ ngược lại, số lượng đầu mối tổ chức bộ máy giảm, đồng nghĩa với giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo quản lý và số người làm việc hành chính, một số chức danh đang là cán bộ xã, phường, thị trấn thì phải chuyển thành người hoạt động không chuyên trách trong khi bản thân số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng phải giảm...

Không chỉ như vậy, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, phạm vi địa bàn quản lý mở rộng hơn, quy mô dân số lớn hơn trước rất nhiều, nên việc thực hiện nhiệm vụ ổn định đời sống Nhân dân địa phương, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng cũng khó khăn hơn. Điều này gây áp lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức, bởi nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc, không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ phải thực hiện tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số Ủy ban của Quốc hội (trong đó Ủy ban Pháp luật được giao chủ trì thẩm tra các đề án sắp xếp đơn vị hành chính), chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan, đến nay đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 theo đúng chủ trương, kế hoạch của Trung ương, Bộ Chính trị. Thông qua việc thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.041 đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn này đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ sớm tiến hành tổng kết, đánh giá, đúc rút các bài học kinh nghiệm, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện trong giai đoạn 2021 - 2030 theo chủ trương của Đảng.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Bình thực hiện