Tầm nhìn - Quốc sách và Khí phách Việt Nam

- Thứ Hai, 08/02/2021, 08:46 - Chia sẻ

Giã biệt năm Canh Tý 2020!

Năm 2020, đối với thế giới, có thể nói là một cuộc đại thử thách về thịnh - suy, về thành - bại, thậm chí là sự hưng - vong, mất - còn về tầm nhìn và quyết sách, về chính trị và nhân sinh, về kinh tế và nhân văn, về xã hội và ngoại giao… trên con đường phát triển thống nhất và đa dạng một cách phức tạp, nhưng rất mới mẻ, thậm chí biến ảo chưa từng thấy bao giờ! 

Và, nhìn lại năm 2020, Việt Nam chúng ta không đứng ngoài những thách thức nghiệt ngã, sinh tử thử thách về sự tiên liệu, về phương sách và nhất là về khí phách dân tộc hóa giải nguy cơ; đồng thời, từ đây tạo dựng tầm viễn kiến, sự mẫn cảm và nghệ thuật giành lấy thời cơ trong đón thời tạo thế, vững chãi trên con đường đi tới năm 2021 và hoạch định chiến lược tương lai!

		Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Ảnh: Trí Dũng

Điềm tĩnh định vị chiến lược quốc gia

Đại thảm họa dịch Covid-19 bùng phát, hoành hành và tàn phá khốc liệt toàn cầu. Hệ lụy trực tiếp và tức thời là nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng  đồng loạt, sâu sắc và toàn diện - điều mà trong nửa thế kỷ qua chưa từng thấy - và lún sâu vào vũng bùn của sự đình đốn, suy thoái và có nguy cơ rạn vỡ ở không ít quốc gia. Soát xét 210 nền kinh tế của các quốc gia, dân tộc và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, chỉ có 18 nền kinh tế tăng trưởng dương, trong khi đại thảm họa Covid-19 vẫn càn quét nhiều lớp sóng lên các quốc gia, dân tộc, chưa hề có dấu hiệu thu hẹp và thuyên giảm. Hệ lụy thảm khốc này có lẽ trong nhiều thập niên nữa nhân loại vẫn gánh chịu di họa và phải trả giá. Nỗi lo Covid-19 tái bùng phát, nguy cơ vượt tầm kiểm soát tại châu Âu…

Năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo cả khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chỉ tăng trưởng 0,9% - tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1967. Nguy cơ tất cả các nền kinh tế còn lại đều dự kiến tăng trưởng âm. Bất chấp dịch bệnh Covid-19 khiến tất cả các hoạt động và kế hoạch đã định ra thay đổi. Nhưng, Việt Nam đạt kết quả cao nhất có thể; được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020.

Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Và, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương, với 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm vẫn tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN

Trong thế giới 2020, trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam tiếp tục mở rộng tầm viễn kiến, điềm tĩnh định vị chiến lược quốc gia và hoạch định con đường phát triển mang tầm dài hạn 10 năm tới 2030 và đi tới giữa thế kỷ năm 2045.   

Chúng ta đang sống và hành động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ chuyển hóa khôn lường, đặt ra thách thức hoặc là tụt hậu tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt lên để làm chủ thời cuộc, làm chủ vận mệnh của chính mình, mà một khi dừng lại hoặc đứng im cũng chính là tụt hậu. Do đó, hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng đắn là, chúng ta chỉ có tiến lên và phát triển bền vững, khi nhịp chân nhân loại không chờ đợi sự do dự hay chập chờn của bất cứ ai, cuộc cạnh tranh toàn cầu tiềm ẩn “mất còn” càng không chấp nhận bất cứ quốc gia, dân tộc nào làm ngoại lệ, nhất là chúng ta. Vì, tụt hậu là đứng ngoài “sân chơi” toàn cầu hóa, nếu không nói là vô hình trung rơi vào lệ thuộc, là rơi vào thảm cảnh “sân sau” của người khác; vì tụt hậu chính là con đường ngắn nhất dẫn tới bạc nhược và tiêu vong! 

Vì thế, trong những thập kỷ tới, trước mắt 2045, Việt Nam sẽ và phải trở thành một nước công nghiệp, hiện đại, điểm đến nhân văn và hòa bình trong thế giới chỉnh thể, nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng rất mực thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế, với công cuộc đổi mới đầy kiên định và sáng tạo,  phát triển bằng phương thức rút ngắn, với bản lĩnh, trí tuệ và danh dự Việt Nam.

Đó là sự lựa chọn mang tầm chiến lược hiện nay. Nói một cách hình ảnh, rằng chúng ta đi từ chính trị xuyên qua kinh tế bằng kinh tế thị trường và công nghệ hiện đại để tới văn hóa! Tất cả vì một Việt Nam công nghiệp phát triển, hòa bình, nhân văn và hùng cường vươn tới chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị!

Đó chính là sự định vị chiến lược thấm đẫm nhân văn truyền đời của dân tộc trong thế giới. 

Đó là sứ mệnh quốc gia, là danh dự và dũng khí dân tộc, là bổn phận và lương tâm của mỗi chúng ta con Lạc cháu Hồng!           

Suốt mấy nghìn năm, truyền đời ông cha ta, dẫu cho sinh tử, bao giờ cũng quyết lấy lợi ích quốc gia làm mục tiêu tối thượng trong mọi hành xử của mình, trước bất cứ ai, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của mỗi người con đất Việt, tự nhiên như trời đất, sống chết như máu thịt mình. Nền độc lập tự do vô giá Tổ quốc không thể để bị chà đạp, không thể bị cướp mất. Chúng ta quyết không ảo tưởng về cơ hội; không thể mơ hồ trước những hứa hẹn, không chùn bước trước những mối đe dọa sinh tử quốc gia; càng không thể dung thứ trước những nguy cơ làm băng hoại thể chế của nhân dân; kiên quyết tẩy trừ những mối nguy làm suy thoái, rạn vỡ Đảng ta - “đứa con nòi” của Nhân dân lao động!     

Đó là khí phách truyền đời chảy trong huyết quản, cháy lên thành khát vọng độc lập tự do và thống nhất Việt Nam! Chưa bao giờ như bây giờ, lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là tối thượng, là cụ thể: Sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc vô giá là bất khả xâm phạm! 

Đó là cương lĩnh hành động của dân tộc Việt Nam từ xưa, hôm nay và mãi mãi, vì một Việt Nam hùng cường và nhân văn đồng hành với nhân loại!      

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng Ảnh: Bùi Khánh
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ảnh: Bùi Khánh

Nắm lấy Quốc sách phát triển mang tầm chiến lược Việt Nam

Trên con đường phát triển, mỗi quốc gia, dân tộc, tất cả đều phải lựa chọn quốc sách và phương thức hành xử riêng, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mình và thời đại. Và, chúng ta thấy, những sự lựa chọn khác nhau đã đưa các quốc gia, dân tộc phát triển rất khác nhau, thậm chí khoảng cách rất xa nhau. Nói một cách hình ảnh, đối với chúng ta, khi công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ bước sang nhịp sóng thứ hai, khi cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 bùng nổ, càng không thể chấp nhận bộ máy 1.0, lại càng không thể thừa nhận một thể chế trình độ 0.4. 

Vì thế, muốn trở nên hùng mạnh và đi xa, nhất định phải lấy con người làm mục tiêu, chủ thể, động lực và là nhân tố quyết định phát triển Việt Nam, dù ở bất cứ phương diện này hay thời kỳ kia. Nói cách khác, con người phải là trung tâm của mọi sự phát triển, và mọi sự phát triển phải xoay quanh con người, vì và cho con người, chứ không phải ngược lại; với một thể chế tương dung. Đó là yêu cầu khách quan và nhu cầu của chính khâu đột phá của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ vì quốc gia phát triển mạnh mẽ và bền vững sẽ bàn định và xác quyết tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.          

Nếu xem thời cơ là lực lượng hiện thực thì cuộc cách mạng công nghiệp mới này là lực lượng cho cả trăm năm. Không thể do dự, phải chủ động nắm lấy và thực thi một cách quyết liệt, với những đột phá, tạo những “cú nhảy” bứt phá trên con đường phát triển, nếu coi nhẹ con người; và như thế nhất định tụt hậu và vô phương cứu vãn. Hơn hết bao giờ, do đó, phải cấp bách lựa chọn ưu tiên và quyết liệt xây dựng, thực thi Chiến lược Phát triển Nhân tài quốc gia - rường cột của khâu đột phá chiến lược phát triển con người. Đây chính là động lực căn bản mang tầm đột phá chiến lược để nắm lấy, làm chủ thời cơ với chủ thể phát triển chiến lược trong tầm nhìn 2045. 

Nói gọn lại, phải xác lập tầm viễn kiến, xây dựng và thực thi Chiến lược Phát triển Nhân tài quốc gia và đây chính là Quốc sách phát triển quốc gia hiện nay và tương lai.

Lòng Dân, sức Dân -  Quốc bảo phát triển Việt Nam nằm ở chính đây! 

Đó chính là nhân tố bất biến chiến lược để ứng với mọi khả biến trên con đường phát triển. 

Hành động, hành động và hành động với khí phách Việt Nam

Một bước tiến trong hành động, lúc này, có giá trị hơn cả một tá cương lĩnh. Cương lĩnh hành động ấy của K.Marx càng có giá trị vô giá lúc này! 

Chính trị, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đạo đức! Đạo đức, lúc này, là hành động. Do đó, hành động lúc này đó chính là tôn vinh quyền lực của Nhân dân trong việc cử ra, tổ chức nên bộ máy nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống chính trị nước ta. Nó là “sự tự quy định của Nhân dân”, “là sự nghiệp của bản thân Nhân dân” (K.Marx); đòi hỏi “sự bình đẳng giữa những người công dân..., mọi người ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước” (V.I.Lenin). Nó càng cho thấy, không phải Nhà nước tạo ra Nhân dân mà Nhân dân tạo ra chế độ nhà nước, phù hợp với nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Đó là nhà nước do dân và nó có nhiệm vụ hướng tới phục vụ Nhân dân, vì nhân dân, là sự nghiệp của bản thân Nhân dân. “Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy” (Hồ Chí Minh).  

Hành động cao nhất lúc này là bảo vệ lợi ích của Nhân dân là tối cao, quyền lợi của dân tộc là tối thượng! Xin nhắc lại: “Sông phía Bắc, biển phía Đông. Nếu không dân cũng là không có gì”. Lòng tin của Nhân dân là nền móng vững bền của thể chế, là quốc bảo của chế độ, là tài sản vô giá của Đảng!  

Hành động cao nhất lúc này là, Đảng phải xứng đáng “vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”, “là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”, vì “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, “Đảng cũng ở trong xã hội”, như Hồ Chí Minh mong mỏi. "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên", “Dân là gốc”, “Dân làm gốc”. Phải tổ chức, xây dựng một Nhà nước Việt Nam pháp quyền khoa học, phù hợp, mạnh mẽ và sáng suốt với đội ngũ cán bộ, công chức thực lòng là công bộc của dân. Phải kiểm soát, đẩy lùi những sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của một bộ phận không nhỏ người được giao quyền lực - cội nguồn đẻ ra những hủ bại làm băng hoại thể chế quốc gia: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng việc làm thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Phải trừng phạt nghiêm minh các tệ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không,… làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Pháp luật phải là “bà đỡ” của dân chủ, của tự do. Và, tự do đối với chúng ta, vừa là mục đích vừa là con đường để giải phóng Nhân dân và nhân dân tự giải phóng mình. Mọi quyền dân chủ của Nhân dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do dân chủ của Nhân dân được tôn trọng và bảo vệ. Đó là mục tiêu chính trị của dân chủ, của pháp luật, của đạo đức hành động chính trị lúc này… mà chúng ta cần và dứt khoát kiên định thực thi.  

Hành động cao nhất lúc này là, dưới ngọn cờ của Đảng, Chính phủ “phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”, Chính phủ phải đem “tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân”. Chúng ta đang hướng tới xây dựng một Chính phủ hành động, phục vụ nhân dân với tầm nhìn dù là trung hạn, quyết sách quản trị quốc gia vĩ mô và con đường thực thi dù là chiến lược. Xin nhấn mạnh, chính phủ phải có chính trị trước. Vì, nền chính trị Việt Nam là một nền chính trị đạo đức hay nền chính trị nhân bản, với hạt nhân “Nước lấy dân làm gốc”; “sao cho được lòng dân”; rằng, “Chính phủ là công bộc của dân”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; rằng, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, và rằng, “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho Nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo. Chúng ta phải bảo đảm sao cho pháp quyền là sự cai trị của pháp luật chứ không dừng ở pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật. Và, theo đó, mấu chốt quan trọng là, Nhân dân cũng như Nhà nước, tất cả đều bình đẳng và tự do trước pháp luật.

Bước vào 2021, trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trông tới năm 2030 và 2045, tầm nhìn xán lạn, đường lớn đã mở, lộ trình xác quyết, lực lượng đủ đầy, nhân tố quyết định thành bại lúc này là hành động và hành động!

Đó chính là trí tuệ, nhân văn và khí phách Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng, mà thế giới 2020 đầy sinh tử đã và càng hun đúc, thổi bùng khát vọng, thức dậy sinh khí, thử thách sinh lực và tôi luyện bản lĩnh dân tộc chúng ta vì nước Việt Nam hùng cường, tự tin nhịp bước cùng nhân loại. 

Đó là liêm sỉ, là thước đo phẩm giá mỗi người; là Quốc sỉ, Quốc thể Việt Nam hôm qua, hôm nay và tương lai!

Năm Tân Sửu 2021 cam go đã tới - giờ của số thành đang điểm: Vẻ vang Việt Nam, trong nửa đầu thế kỷ XXI!

Nhà báo, TS Nhị Lê