Một nhiệm kỳ thắng lợi

- Thứ Hai, 15/02/2021, 08:23 - Chia sẻ

Nhìn lại nhiệm kỳ Khóa XIV, CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG PHAN XUÂN DŨNG khẳng định, đây là nhiệm kỳ thắng lợi. Ủy ban được đánh giá cao trong thẩm tra 12 dự án luật điều chỉnh những lĩnh vực rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, tiến hành nhiều giám sát chuyên đề được đại biểu Quốc hội và cử tri ghi nhận.

	Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội tham quan Triển lãm về Thành tựu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân tại Thái Nguyên
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội tham quan Triển lãm về Thành tựu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân tại Thái Nguyên

"Tiếp sức" đổi mới cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ

 - Thưa ông, khi Quốc hội Khóa XIII thông qua Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, cử tri và người dân cả nước đánh giá cao tinh thần đổi mới trong cơ chế, chính sách về lĩnh vực này. Tinh thần này đã tiếp tục được thể hiện như thế nào tại các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này trong nhiệm kỳ Khóa XIV?

- Tinh thần đổi mới của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã được tiếp nối trong tất cả các đạo luật có nội dung liên quan đến khoa học, công nghệ được Quốc hội Khóa XIV thông qua, đặc biệt là trong 12 dự án luật mà Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra.

Luật Khoa học và Công nghệ gần như là đạo luật gốc, đưa ra những quy định nền tảng để các luật khác điều chỉnh cụ thể hơn trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, khi chủ trì thẩm tra và tiếp thu chỉnh lý các dự án luật trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban đều đặc biệt lưu ý các quy định phù hợp với sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ. Đây là xu thế không thể cưỡng lại nếu muốn đất nước ta phát triển nhanh và bền vững thời gian tới. 

Ngoài ra, các đạo luật liên quan khác được Quốc hội Khóa XIV thông qua cũng góp phần tăng hiệu quả cho một số cơ chế, chính sách trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013. Ví dụ, từ tinh thần khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ ban đầu, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp nói chung ứng dụng, đổi mới công nghệ; đưa ra các quy định để giải quyết vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ... Những cơ chế, chính sách này đã quay lại hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển. Nói cách khác là “tiếp sức” cho cơ chế đã được đề ra trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013.

- Với số lượng dự án luật được giao chủ trì thẩm tra nhiều hơn hẳn so với nhiệm kỳ trước, ông đánh giá như thế nào về công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban đảm trách?

 - Nhiệm kỳ Khóa XIV có thể nói là một nhiệm kỳ thắng lợi của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra 12 dự án luật, điều chỉnh những lĩnh vực rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có tới 6 luật, gồm: Luật Thủy lợi; Luật Nông nghiệp; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Thủy sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Hai luật thuộc lĩnh vực xây dựng là Luật Kiến trúc và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Hai luật thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường là Luật Đo đạc bản đồ và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); lĩnh vực giao thông vận tải có Luật Đường sắt. Các luật nêu trên đều có những chính sách mới, cơ chế mang tính đột phá, giúp thúc đẩy sự phát triển của từng lĩnh vực chuyên ngành cũng như phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

- Trong điều kiện phần lớn đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, việc nâng cao chất lượng thẩm tra tại cơ quan của Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông có thể chia sẻ đôi điều về công việc “hậu trường” này?

- Rất mừng là các dự án luật do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra đều giữ vai trò quan trọng, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao và cử tri, người dân hoan nghênh.

Để đạt được kết quả đó, trước tiên, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có thuận lợi khi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao của lãnh đạo các cấp, ngành, đặc biệt là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội. Thứ hai là sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Ủy ban, trong đó có không ít đại biểu là chuyên gia đã luôn tận tâm, nhiệt huyết, nghiên cứu rất kỹ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc giúp hoàn thiện tốt nhất các dự thảo luật.

Thứ ba là sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ giúp việc cho Thường trực Ủy ban. Đó là cán bộ, công chức của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Vụ Pháp luật và các vụ có liên quan. Có thể nói đây là những “chiến sĩ” luôn đồng hành, nhiệt tình, làm việc thâu đêm để tham mưu, giúp việc cho Ủy ban bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự thảo luật trình Quốc hội. 

Thứ tư là sự phối hợp giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo. Trong quá trình thực hiện, dù khó khăn đến mấy, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đều tích cực phối hợp. Với sự đồng lòng của các cơ quan chức năng nên đã vượt qua nhiều khó khăn.

Tất nhiên, trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật cũng có một số khó khăn do nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, khi thế giới phát triển ở mức độ rất cao mà việc đạt trình độ phát triển này không dễ dàng, đòi hỏi phải tập trung và nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, trong nhiều thời điểm, dự án luật được gửi sang cơ quan chủ trì thẩm tra còn chậm, sát phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay kỳ họp của Quốc hội. Điều này khiến các cơ quan của Quốc hội rơi vào thế phải “bắc nước chờ gạo”, làm ngày, làm đêm để bảo đảm tiến độ thẩm tra.   

Sự hối thúc từ thực tiễn

Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

- Hoạt động giám sát Ủy ban trong nhiệm kỳ này cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, thưa ông?

- Trong nhiệm kỳ này, công tác giám sát của Ủy ban được đẩy mạnh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ủy ban đã xây dựng chương trình giám sát cụ thể, chi tiết, khoa học, bám sát địa bàn, địa phương, vấn đề bức xúc được cử tri, người dân quan tâm. Trong quá trình giám sát, Ủy ban cũng không quá phụ thuộc vào báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, mà chú trọng đi địa bàn, khảo sát, đánh giá thực tế. Mỗi chuyên đề giám sát được thực hiện cũng không dừng ở việc chỉ ra vấn đề gây bức xúc với xã hội hay tồn tại trong quản lý, điều hành, mà hướng tới tìm ra giải pháp khắc phục, đưa ra kiến nghị về sửa đổi chính sách, pháp luật hiện hành...

- Năm 2020, Ủy ban đã tiến hành giám sát chuyên đề An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập và báo cáo kết quả giám sát đến Quốc hội bằng một video clip khá ấn tượng. Ông có thể chia sẻ  thêm về chuyên đề giám sát này?

- Ủy ban chọn giám sát chuyên đề An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập bởi sự hối thúc từ nhu cầu của thực tiễn. Trước đó, trong quá trình giám sát, Ủy ban đã nhận thấy, bảo đảm an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập là vấn đề quan trọng, tác động đến sự phát triển của đất nước không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Với tính chất quan trọng của nội dung giám sát này, khi Ủy ban đề xuất đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao rất cao và phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và tham gia cùng Đoàn giám sát của Ủy ban. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã cùng các Đoàn công tác của Ủy ban đi khảo sát tại các địa phương từ Bắc vào Nam, đến những địa bàn mà tình hình bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an toàn hồ, đập đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất.

Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng thành một video clip để báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười. Đặc biệt, dù đây là chuyên đề giám sát do một Ủy ban của Quốc hội thực hiện nhưng nhiều kiến nghị, đề xuất đã được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội. Nội dung giám sát nêu trên cũng được lãnh đạo Quốc hội đề nghị ghi vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

- Xin cảm ơn ông!

"Điểm mới về nhận thức trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về vai trò của khoa học - công nghệ không chỉ nhấn mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, mà còn đề cao yêu cầu đổi mới sáng tạo như một định hướng trung tâm của phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc. Lần đầu tiên, Đảng đã chính thức xác định phải xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thời gian tới, trên cơ sở Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mỗi bộ, ngành cần nỗ lực để bảo đảm mỗi chủ trương về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ thấm trong từng đạo luật, chính sách được ban hành, triển khai thực hiện. Mục tiêu cuối cùng là đưa khoa học và công nghệ phục vụ tốt hơn, đắc lực hơn cho phát triển đất nước, qua đó thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng

Thanh Hải