Luôn tự hào về những đổi mới của Quốc hội

- Thứ Bảy, 13/02/2021, 10:37 - Chia sẻ

Gần 10 năm là người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội NGUYỄN HẠNH PHÚC chia sẻ, ông luôn tự hào về những đổi mới của Quốc hội, từ những đổi mới tưởng chừng rất đơn giản như “hỏi 1 phút - trả lời 3 phút” tại các phiên chất vấn đến gần đây là xây dựng, vận hành Quốc hội điện tử, tổ chức các phiên họp trực tuyến... Tự hào không chỉ vì lĩnh vực nào cũng có đổi mới mà còn bởi tất cả những đổi mới ấy đều được thôi thúc bởi trách nhiệm của Quốc hội trước Nhân dân, để luôn xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân.

Đột phá về xây dựng Quốc hội điện tử

-  Đã có rất nhiều lần, tôi được trao đổi với ông về chủ đề đổi mới của Quốc hội. Nhưng từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIV và đặc biệt là năm 2020 thêm một lần nữa cho thấy, mạch nguồn đổi mới, năng lượng đổi mới của Quốc hội rất dồi dào, thưa ông? 

- Tôi còn nhớ cuối nhiệm kỳ Khóa XIII, một phóng viên hỏi tôi rằng, nhiệm kỳ này Quốc hội đã có rất nhiều đổi mới như vậy thì đến nhiệm kỳ sau liệu có còn gì để đổi mới nữa hay không? Câu hỏi này không chỉ bạn phóng viên hỏi mà còn là câu hỏi, là mệnh lệnh của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra với tôi. Khi đó, tôi đã trả lời rất nhanh là sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Trước đó, từ năm 2012, Văn phòng Quốc hội đã áp dụng phần mềm quản lý văn bản ePas và là một trong 4 Văn phòng Trung ương đầu tiên áp dụng điều này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc tặng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội Ảnh: Quang Khánh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc tặng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội
Ảnh: Quang Khánh

Thực tế đã cho thấy, trong 75 năm qua, mạch nguồn đổi mới của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa bao giờ vơi cạn, mà luôn được kế thừa, bồi đắp và phát triển qua từng nhiệm kỳ, càng ngày những đổi mới càng đi vào thực chất, có tác động ngay đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Như 5 năm của nhiệm kỳ Khóa XIV, một dấu ấn nổi bật trong đổi mới của Quốc hội đã được kế thừa và phát triển lên mức độ cao hơn, đó là ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.  

- Nói đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, phải thừa nhận rằng, chỉ trong một nhiệm kỳ, đặc biệt là 2 năm cuối nhiệm kỳ, chúng ta đã có những bước tiến rất dài, thậm chí là “đột phá” trong xây dựng, vận hành Quốc hội điện tử, thưa ông? 

- Đúng vậy. Từ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã đưa vào sử dụng các phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu giúp đại biểu theo dõi tổng thể các hoạt động của kỳ họp, tra cứu nhanh tài liệu, giảm văn bản giấy và số lượng tài liệu phải mang theo. Phần mềm nhận dạng giọng nói tại phiên chất vấn giúp Chủ tọa và người trả lời chất vấn theo dõi đầy đủ câu hỏi của đại biểu; việc gỡ băng các phiên thảo luận ở tổ, ở hội trường được tiến hành nhanh chóng, tiết kiệm nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng công tác tập hợp, tổng hợp. 

Từ Kỳ họp thứ Tám, lần đầu tiên, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp “không giấy tờ”. Trung tâm Điều hành Quốc hội điện tử được đưa vào sử dụng, phục vụ công tác điều hành các hoạt động của Quốc hội. Việc gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các vấn đề có ý kiến khác nhau bằng phiếu giấy đã được thay thế bằng hệ thống điện tử, mang lại sự nhanh chóng, chính xác, khoa học, đồng thời, bảo đảm tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch.

Trong nhiệm kỳ này, phương thức đăng ký phát biểu, tranh luận cũng được cải tiến mạnh mẽ. Những kỳ họp đầu nhiệm kỳ, việc đăng ký phát biểu vẫn thông qua hệ thống điện tử tại hội trường, đại biểu đăng ký tranh luận bằng cách giơ biển, thì đến Kỳ họp thứ Chín đã bắt đầu đăng ký phát biểu thông qua phần mềm được cài đặt trên ipad và đến Kỳ họp thứ Mười, phần mềm tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện để đại biểu đăng ký phát biểu và tranh luận được ngay trên ipad. 

Những kết quả ban đầu của việc xây dựng Quốc hội điện tử là nền tảng quan trọng để Quốc hội nhanh chóng thay đổi phương thức làm việc, thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch Covid-19. Thời điểm tháng 5.2020, khi Quốc hội quyết định tổ chức Kỳ họp thứ Chín theo hình thức trực tuyến kết hợp với họp tập trung thì chỉ có 3 nghị viện nữa trên thế giới thực hiện hoặc chuẩn bị tổ chức họp trực tuyến. Vì thế, áp lực cũng rất lớn. Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra. Triển khai họp trực tuyến thế nào? Phần mềm ra sao? Hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền thế nào để đáp ứng được yêu cầu họp trực tuyến trong khoảng thời gian rất dài, liên tục như vậy? Phải tính toán rất kỹ, lên nhiều phương án, dự liệu các tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay lần đầu tổ chức họp trực tuyến, chúng ta đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ở địa phương chia sẻ cảm nhận như đang họp tập trung ở Hội trường Diên Hồng chứ không có cảm giác họp trực tuyến và đề nghị tiếp tục áp dụng hình thức này cho các kỳ họp tiếp theo. 

Từ kinh nghiệm tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Việt Nam đã tiên phong trong việc tổ chức các hoạt động của Đại hội đồng AIPA 41 và Năm Chủ tịch AIPA 41 bằng hình thức trực tuyến, hoàn thành xuất sắc trọng trách Chủ tịch AIPA 41 trong bối cảnh hết sức khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Điều này cũng mở ra một phương thức hoạt động hoàn toàn mới trong lịch sử của AIPA. 

Xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân

		Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

- Gần 10 năm là người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, điều gì khiến ông thấy tự hào nhất? 

- Nếu nói về điều tự hào nhất, với tôi chính là tinh thần đổi mới không ngừng của Quốc hội, từ những đổi mới tưởng chừng rất đơn giản như “hỏi 1 phút - trả lời 3 phút” tại các phiên chất vấn đến những đổi mới rất căn cơ trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và gần đây là xây dựng, vận hành Quốc hội điện tử, tổ chức các phiên họp trực tuyến... Tự hào không chỉ vì lĩnh vực nào cũng có đổi mới mà còn bởi tất cả những đổi mới ấy đều được thôi thúc bởi tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, để Quốc hội luôn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. 

"Ở góc độ cá nhân, tôi có thêm một niềm tự hào nữa khi là Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đầu tiên được trực tiếp tham gia, chuẩn bị, tổ chức 3 sự kiện đối ngoại đa phương đặc biệt quan trọng của Quốc hội, đó là: Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132), Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Liên Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF 26) và gần đây nhất là Đại hội đồng AIPA 41.

Mỗi sự kiện đều để lại những dấu ấn đậm sâu về vị thế, vai trò và bản lĩnh của Quốc hội Việt Nam và đất nước Việt Nam đối với khu vực và trên thế giới, mở ra tầm nhìn và các định hướng phát triển mới đối với IPU, APPF và AIPA trong những giai đoạn mang tính chất bước ngoặt của các tổ chức này. Đặc biệt, thành công của Đại hội đồng IPU 132 đã để lại nhiều ấn tượng rất sâu đậm trong các nghị viện trên thế giới. Đó sẽ luôn là một trong những kỷ niệm tuyệt vời khi tôi nhớ về 10 năm làm đại biểu Quốc hội". 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc

Năm 2012, khi bước sang năm thứ hai của nhiệm kỳ Khóa XIII, lần đầu tiên trong lịch sử, Văn phòng Quốc hội đã chuẩn bị, trình và được Quốc hội thông qua một nghị quyết riêng về tiếp tục cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Sau đó, khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Quốc hội 2014, rất nhiều đổi mới, cải tiến được thực hiện theo nghị quyết này đã được đưa vào Luật.

Trong hoạt động lập pháp, năm 2015, khi sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội cũng đã đổi mới căn cơ quy trình lập pháp, nâng cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình xây dựng luật và bảo đảm tính khả thi của luật. Nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội cũng từ chối thông qua khá nhiều dự án luật vì không bảo đảm chất lượng - điều mà trước đây, phải nói thật là chúng ta cũng còn nể nang, chưa dứt khoát. 

Hay trong quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội cũng có rất nhiều đổi mới, cải tiến đi vào thực chất, góp phần chuyển mạnh từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội tranh luận” như: Việc trình bày tờ trình, báo cáo ngắn gọn hơn; thời gian phát biểu lần đầu của đại biểu được rút ngắn; các đại biểu được sử dụng quyền tranh luận (nhưng không quá 3 phút/lần)... đã góp phần nâng cao chất lượng thảo luận tại phiên họp, tăng cường sự phản biện, giúp cho các quyết định của Quốc hội bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao.

Đặc biệt, trong hoạt động chất vấn chứng kiến sự chuyển biến về cả chất và lượng; thời gian dành cho hoạt động chất vấn tăng so với Khóa XIII, trung bình hơn 0,5 ngày chất vấn đối với mỗi thành viên Chính phủ. Không chỉ có các bộ trưởng, trưởng ngành tham gia giải trình, trả lời chất vấn mà các phó thủ tướng cũng trực tiếp tham gia trả lời chất vấn, làm rõ trách nhiệm đối với nhóm vấn đề được giao phụ trách. Phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn” còn góp phần nâng cao chất lượng các câu hỏi và câu trả lời, buộc người hỏi và người trả lời phải nghiên cứu, nắm chắc tình hình, đi thẳng vào trọng tâm, trọng điểm, hạn chế vòng vo để sử dụng thời gian hiệu quả nhất.

Những đổi mới như vậy đã mang lại không khí sôi động, hấp dẫn hơn cho các phiên chất vấn, thảo luận tại Quốc hội, tăng tính đối thoại trực tiếp, từ đó đi đến cùng, làm rõ trách nhiệm, thúc đẩy việc giải quyết nhiều vấn đề “nóng” trong đời sống. 

- Chỉ còn một kỳ họp nữa, Quốc hội Khóa XIV sẽ hoàn thành trọng trách với cử tri và Nhân dân. Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV cũng đang được khẩn trương tiến hành. Trước thềm Xuân mới, ông có điều gì muốn chia sẻ, nhắn gửi đến các đại biểu Quốc hội khóa tới? 

- Môi trường khu vực, quốc tế và đặc biệt là diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ đặt ra những thách thức rất lớn đối với sự phát triển của đất nước ta trong thời gian tới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua đã thành công rất tốt đẹp, xác định rõ các phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước trong 5 năm tới và đề ra những mục tiêu, tầm nhìn, khát vọng phát triển mạnh mẽ. Bối cảnh đó đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục đổi mới, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, đồng hành với Chính phủ và đặc biệt, phải linh hoạt, nâng cao khả năng thích ứng trước mọi biến chuyển của đời sống. 

Hội đồng Bầu cử Quốc gia đang tích cực chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Trong đó, một yêu cầu rất quan trọng là phải bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách đạt tối thiểu 40% như quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Như vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan Trung ương, MTTQ Việt Nam, chính quyền các địa phương phải làm thật tốt công tác hiệp thương, lựa chọn được những người có đủ năng lực, đủ phẩm chất, bản lĩnh và trách nhiệm để cử tri bầu vào Quốc hội Khóa XV. Phải nâng được chất lượng đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm, lên cao hơn nữa để đảm nhận được khối lượng công việc rất lớn, trọng trách rất nặng của Quốc hội trong giai đoạn mới. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện