Càng khó khăn, thử thách, càng bền bỉ, sáng tạo

- Chủ Nhật, 14/02/2021, 08:19 - Chia sẻ

Mục tiêu cao nhất của Quốc hội chính là lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, dù khó khăn, thử thách ra sao, Quốc hội cũng sẽ tìm ra được cách thức phù hợp để giữ vững mục tiêu này. Càng khó khăn, thử thách, chúng ta càng phải bền bỉ, sáng tạo để hoàn thành được trọng trách mà Nhân dân đã tin cậy giao cho. CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH chia sẻ trong cuộc trò chuyện với PV Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Xuân mới Tân Sửu.

Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

Hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2020

- Vượt lên những thách thức của đại dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt dị thường của năm 2020, có thể thấy, Ủy ban về các vấn đề Xã hội vẫn triển khai hiệu quả, nhịp nhàng các hoạt động, thưa bà?

- “Năm Covid”, tôi hay gọi 2020 như thế bởi mức độ “càn quét” của đại dịch này đối với thế giới thực sự quá khốc liệt. Nước ta do làm tốt công tác kiểm soát dịch nên tác động tiêu cực đã được giảm thiểu. Dù vậy, tác động của đại dịch, cộng hưởng với thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu đã gây ra quá nhiều khó khăn, thử thách, không chỉ với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, mà còn với từng người dân, từng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, điều chỉnh cách thức làm việc một cách linh hoạt để bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Giai đoạn đầu thực hiện giãn cách xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các Ủy ban ngừng đi địa phương thì Ủy ban tổ chức các phiên họp trực tuyến, lấy ý kiến, thảo luận, đóng góp ý kiến bằng thư điện tử, qua trang thông tin điện tử riêng của Ủy ban. Với lợi thế có nhiều đại biểu chuyên trách ở địa phương nên Thường trực Ủy ban đã đề nghị các đại biểu này tiến hành khảo sát thực tế tại địa bàn và gửi báo cáo kết quả cho Ủy ban. Khi tình hình dịch đỡ căng thẳng hơn, có thể đi cơ sở được thì Ủy ban mới tiến hành các cuộc khảo sát, giám sát tại địa phương nhưng kết hợp rất nhiều nội dung và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương và tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết, say sưa của các thành viên Ủy ban.

Ngoài ra, Ủy ban còn tổ chức các hội thảo trực tuyến có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế về các nội dung Ủy ban quan tâm. Có thể nói, tuy Ủy ban không tổ chức được nhiều đoàn đi giám sát, không tổ chức đoàn đi nghiên cứu, cử người đi dự hội nghị quốc tế như các năm trước, nhưng lượng thông tin thu được lại rất nhiều, sinh động và đa chiều, là cơ sở quan trọng để Ủy ban đưa ra các ý kiến thẩm tra, giám sát, đề xuất, kiến nghị xác đáng, thuyết phục.

- 2020 là năm cuối nhiệm kỳ nên nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội khá nặng, trong đó có nhiều nội dung mang tính chất tổng kết 5 năm thuộc phạm vi theo dõi phải được báo cáo Quốc hội. Với Ủy ban về các vấn đề Xã hội, có nội dung nào bị gián đoạn, không thực hiện được do tác động của dịch Covid-19 không, thưa bà?

- Với việc chủ động, linh hoạt điều chỉnh cách thức làm việc, Ủy ban đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2020. Trong đó, xây dựng pháp luật là nhiệm vụ nặng nhất, với việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội thông qua 2 dự án Luật là Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (sửa đổi) và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và một báo cáo thẩm tra về việc ban hành nghị định của Chính phủ. Các dự luật, pháp lệnh do Ủy ban chủ trì thẩm tra đều được thông qua với sự đồng thuận rất cao, riêng Luật Phòng, chống HIV/AIDS được thông qua chỉ trong một kỳ họp với sự tán thành của 100% đại biểu có mặt.

Ủy ban cũng đã tiến hành thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 dự án Luật gồm: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Tuy nhiên, do nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm và cập nhật tình hình mới nên Ủy ban đã kiến nghị chưa trình Quốc hội 2 dự án Luật này trong năm 2020. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban còn thẩm tra về việc ban hành một nghị định của Chính phủ. Ủy ban cũng tổ chức các phiên họp thẩm tra và phối hợp thẩm tra 12 dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội (trong đó có thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới), dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Chúng tôi cũng tiến hành khảo sát, giám sát, thẩm tra và đánh giá việc thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ như: Giám sát chuyên đề tại 10 tỉnh, thành phố về kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 76) về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (2015 - 2020) và một số nội dung khác thuộc phạm vi Ủy ban phụ trách; chủ trì thẩm tra 5 báo cáo của Chính phủ theo quy định của Luật... Qua công tác giám sát và theo dõi chuyên môn, Ủy ban đã đề xuất những kiến nghị, giải pháp quan trọng cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến các mục tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025...

Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện, cả thế giới có chừng 300.000 ca mắc, thì Ủy ban đã chủ động cập nhật thông tin, lấy ý kiến từ các cơ quan chuyên môn như Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp lớn; đề nghị thành viên các Ủy ban ở địa phương nắm bắt tình hình tại cơ sở để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các lĩnh vực xã hội và với người lao động. Nhờ đó, ngay trong tháng 3, Ủy ban đã có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá sơ bộ về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với một số lĩnh vực xã hội. Chỉ ít ngày sau đó, đầu tháng 4.2020, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 thì Ủy ban đã có báo cáo thẩm tra, nêu rõ các vấn đề cần đánh giá và phải có biện pháp xử lý để bảo đảm tính khả thi của gói chính sách. 

Giữ vững mục tiêu

- Bà vừa đề cập đến sự “linh hoạt” và “chủ động thích ứng”. Đây cũng là hai từ khóa đầy ý nghĩa khi chúng ta nhìn lại năm 2020, thưa bà?

- Tôi cho rằng, thách thức bao giờ cũng tạo ra cơ hội. Người Việt Nam chúng ta cũng có một truyền thống khá đặc biệt, đó là càng trong khó khăn, thử thách thì lại càng kiên trì, bền bỉ và sáng tạo, từ đó tìm được cách thức để vượt qua. Covid-19 buộc chúng ta phải thay đổi cả trong tư duy, nhận thức và hành động. Ví dụ câu chuyện chuyển đổi số, chúng ta nói đến cũng đã khá nhiều năm nay nhưng dịch Covid-19 đã thúc đẩy tiến trình này diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng vậy. Chúng ta đã chủ động đổi mới, thích ứng với hoàn cảnh, thích ứng với những thay đổi, diễn biến bất ngờ của cuộc sống bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động (mà việc Quốc hội chuyển sang họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung là một trong những kết quả nổi bật của tiến trình này). Từ Quốc hội điện tử tiến nhanh đến Quốc hội số và trong một số lĩnh vực hoạt động thì đã ở mức độ tiếp theo, tức là Quốc hội thông minh.

Thực tiễn hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong năm 2020 cho thấy, chúng ta đã đi trước nghị viện của nhiều nước trên thế giới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động và thay đổi phương thức hoạt động sang trạng thái “bình thường mới” để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Vừa qua, nghị viện một số nước đã đề nghị chúng ta chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.

- Từ thực tiễn hoạt động trong một năm đặc biệt như 2020, theo bà có thể rút ra kinh nghiệm như thế nào cho thời gian tới?

- Tôi còn nhớ, khi được hỏi về kinh nghiệm đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), Trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Đình Lương nói đại ý rằng, ông là con nhà nông được cha dạy rằng, làm nghề cày phải có đường cày thẳng, muốn có đường cày thẳng mắt phải nhìn xa, nhìn phía trước. Kinh nghiệm này cũng được tôi áp dụng khi đạp xe cuối tuần. Tôi rất thích đi trên vạch vôi trắng, sát vỉa hè. để bánh xe đạp không ra ngoài vạch vôi trắng thì cứ nhìn thẳng về phía trước và phải nhìn xa chứ không phải ngay trước mắt mình, bảo đảm xe sẽ băng băng trên đường không bị chệch. Đó cũng là kinh nghiệm áp dụng cho nhiều thứ. Mục tiêu đã vạch ra rồi, trong quá trình thực hiện có thể có gió to, cây đổ, nhưng cứ nhìn thẳng về phía trước, giữ vững mục tiêu, chúng ta sẽ vượt qua.

Trong công việc của Ủy ban hay rộng hơn là của Quốc hội, theo tôi cũng như vậy. Mục tiêu cao nhất của Quốc hội chính là lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Giữ vững mục tiêu này, trong từng hoàn cảnh cụ thể, dù khó khăn, thử thách ra sao, Quốc hội cũng sẽ tìm ra được cách thức phù hợp để bảo đảm tốt nhất lợi ích của người dân, lợi ích của đất nước. Càng khó khăn, thử thách, chúng ta càng phải bền bỉ, sáng tạo để hoàn thành được trọng trách mà Nhân dân đã tin cậy giao cho.

          - Đại hội XIII của Đảng xác định nhiều quan điểm mới về việc hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Theo bà, những vấn đề này đặt ra yêu cầu gì đối với Quốc hội trong giai đoạn tới?

- Phải nói rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn dành nguồn lực rất lớn cho việc bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội đã ngày càng hoàn thiện. Để thể chế hóa các quan điểm mới về an sinh xã hội được Đại hội Đảng XIII xác định, Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành nghị quyết về giảm nghèo bền vững, về  chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, kế thừa tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 76, đó là áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều, thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các chiều nghèo thiếu hụt; đổi mới quy trình xác định đối tượng nghèo... Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi về an sinh xã hội, trong đó cần tập trung cho việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và các luật trong lĩnh vực xã hội khác. Đồng thời, cần tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội để các chính sách, luật trong lĩnh vực an sinh xã hội thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tối đa hiệu quả.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Quỳnh Chi thực hiện

Quỳnh Chi