Chính sách xã hội trong đại dịch Covid-19

- Chủ Nhật, 10/01/2021, 03:00 - Chia sẻ
Dù không ai mong muốn dịch bệnh, nhưng thông qua sự “kiểm nghiệm”, “thử thách” khắt khe, nghiệt ngã đến tàn khốc của đại dịch Covid-19, thì dư luận trong, ngoài nước đã phải công nhận rằng, hệ thống chính sách pháp luật về xã hội của Việt Nam là đúng đắn, chuẩn xác và hiệu quả.

Tính mạng, sức khỏe con người là trước hết và trên hết

Trong nước cũng như trên thế giới từng tranh luận: Thiết kế, xây dựng một hệ thống chính sách như thế nào để xử lý tốt nhất các vấn đề xã hội. Có những quan điểm cho rằng, cứ tập trung đầu tư, phát triển một nền kinh tế cho thật hùng mạnh, “lắm tiền, nhiều của”, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, kinh tế vững mạnh lên ắt sẽ giải quyết kéo theo tất cả các vấn đề xã hội... Ý kiến khác lại cho rằng, thực tế có phải “automatic” như thế không? Nếu dễ dàng chuyển hóa như vậy thì có lẽ các nước có nền kinh tế hùng cường nhất thế giới đã không còn các vấn nạn xã hội nào! Thực tế đã cho thấy, chính ở những nước này đang là những “vùng trũng” chứa đựng, tồn tại nhiều vấn nạn xã hội nặng nề như phân biệt chủng tộc, buôn bán người, đói nghèo trong lãng phí của cải (có nước có đến 20 - 30% dân số sống dưới mức nghèo khổ)...

Những ngày đầu, khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, một số cường quốc đã hùng hồn tuyên bố, phải bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ tăng trưởng bằng mọi giá. Lại có quốc gia tuyên bố, trước hết phải bảo vệ tầng lớp người trẻ, vì họ là lực lượng nòng cốt giữ vững sản xuất kinh doanh... Với ý tưởng như vậy nên có người đã lạnh lùng tính toán rằng, nếu 8 - 9% dân số già, vì Covid-19 mà đồng loạt “thôi, không sống nữa” thì mỗi quốc gia sẽ cất được một gánh nặng ngân sách, bảo hiểm xã hội và chi phí dịch vụ y tế vô cùng lớn!

Còn ở nước ta, ngay từ đầu, Đảng và Nhà nước đã khẳng định, tính mạng và sức khỏe con người là trước hết và trên hết; chúng ta tạm thời hy sinh kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người trong dài hạn; chống dịch như chống giặc; thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch rốt ráo, vừa bảo vệ và phát triển sản xuất bằng mọi giải pháp thích hợp có thể.

Thực thi khẩn trương, chặt chẽ, nghiêm túc những đường hướng chỉ đạo đó, đến bây giờ, khi mà “năm con chuột” đang đi qua, và “năm con trâu” đang tới gần, thì đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất lớn lao của mục tiêu kép. Trong hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 28.12.2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, “thứ nhất, đã ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19... Thứ hai, đã nỗ lực duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất có thể; được đánh giá là một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020”. Cũng trong hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định, “Với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ của chúng ta về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên”. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, “Thành công không chỉ đo bằng những gì đã đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua”.

Bởi vậy có ý kiến bạn bè quốc tế nhận xét, “Việt Nam là ngọn hải đăng trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 và là điểm sáng tăng trưởng kinh tế hiếm hoi trên toàn cầu” có lẽ cũng hoàn toàn thỏa đáng.

Người Việt về nước trong đại dịch

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội

Thực ra, không chỉ đến lúc bùng phát đại dịch Covid-19 thì Đảng, Nhà nước ta mới đưa ra quan điểm, chỉ đạo như vậy, mà đường hướng đó xuất phát từ đường lối cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết các vấn đề xã hội. Ngay từ những ngày đầu của công cuộc đổi mới và tại các kỳ Đại hội tiếp theo, Đảng ta đã xác định rất rõ, không thể tách biệt các vấn đề kinh tế và các vấn đề xã hội riêng rẽ để giải quyết, mà phải thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, xem trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Trong Báo cáo tổng kết Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006), Đảng ta đã chỉ rõ: Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách phát triển xã hội đều phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hay lâu dài.

Tất cả các đạo luật về các vấn đề xã hội của Quốc hội đều đã hội tụ đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách xã hội của Đảng như: Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bình đẳng giới; Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em; Luật Thanh niên; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Việc làm; Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật Người cao tuổi; Pháp lệnh Ưu đãi người có công... Có thể nói, đến nay, hệ thống pháp luật xã hội đã bao phủ được toàn bộ cuộc đời của mỗi con người, từ khi “cất tiếng khóc chào đời”, lớn lên, học hành, chữa bệnh, làm việc... cho tới khi bước ra khỏi quá trình lao động, nghỉ hưu, rồi “nhắm mắt xuôi tay”. Ở giai đoạn nào của cuộc đời một con người cũng có ít nhất một đạo luật tương ứng điều chỉnh. Nói ngắn gọn là, pháp luật về lĩnh vực xã hội đã hoàn toàn tuân thủ đường lối chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đó là, phải đặt con người vào vị trí trung tâm, tất cả cho con người và tất cả vì con người.

Đại dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành, tàn phá thế giới hơn một năm nay. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) ngày 15.10.2020 đã nhận định, Đại dịch viêm đường hô hấp cấp có nguy cơ để lại “những vết sẹo lâu dài” đối với nền kinh tế toàn cầu và làm đảo lộn cuộc sống xã hội con người, vì suy thoái kinh tế thế giới lần này nghiêm trọng nhất kể từ sau đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước... Thành công bước đầu (nhưng vô cùng quan trọng) trong phòng chống đại dịch này của Việt Nam bắt nguồn từ chính sách pháp luật xã hội đúng đắn, chuẩn xác là bài học rất quý giá cần được nhân rộng, phát huy.

Thế giới từng tiêu tốn nhiều công sức, giấy mực để bàn luận “xã hội nào tốt đẹp hơn xã hội nào” và “thể chế chính trị nào ưu việt hơn thể chế chính trị nào”. Nhưng cuộc tranh luận đó chưa bao giờ đi đến hồi kết! Tuy không ai mong muốn, nhưng có lẽ, chỉ có những thảm họa như đại dịch Covid-19 thử thách khắt khe, nghiệt ngã tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt châu lục, chế độ chính trị, nền văn minh, trình độ khoa học - kỹ thuật, trình độ y học, văn hóa, màu da sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính hay phân biệt tình trạng sức khỏe... thì người ta mới "ngộ" ra xã hội nào, thể chế chính trị và hệ thống chính sách xã hội nào nào ưu việt hơn, có sức sống mãnh liệt hơn.

Cũng có lẽ vì thế mà Việt Nam đã và đang trở thành “điểm hẹn hấp dẫn” của nhiều bạn bè trên khắp thế giới.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội