Hơn nữa, phát triển kinh tế tập thể còn là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể luôn được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Từ đó thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển nhanh và chất lượng hơn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2023, cả nước có khoảng hơn 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân năm 2022 của các hợp tác xã đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021. Mức lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên là 56 triệu đồng/người/năm. Doanh số cho vay đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong giai đoạn 2013 - 2021 đạt khoảng 50.800 tỷ đồng…
Các hợp tác xã cũng đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng về ngành nghề, quy mô, trình độ, hỗ trợ tốt các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Các tổ hợp tác được tổ chức với cơ cấu gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực; liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.
Như vậy có thể thấy, khu vực kinh tế tập thể đã cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX đã đề ra.
Đó là việc đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn; tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm.
Các hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng dù tăng nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm. Năng lực nội tại còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế.
Đa số hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp. Liên kết trong nội bộ còn rất yếu. Các hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến; nhiều hợp tác xã chuyển đổi, tổ chức lại nhưng chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất.
Bởi vậy để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đề ra là đến năm 2030 cả nước có 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Có trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá. Đến năm 2045, bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả... còn nhiều việc phải làm.
Và một trong những việc đó chính là phải nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường. Khắc phục tình trạng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi.
Đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.