Xử lý nghiêm để răn đe

- Chủ Nhật, 16/10/2022, 05:52 - Chia sẻ

Từ ngày 1.10.2021 đến ngày 30.9.2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%, đã khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp… Đây là nội dung được nêu trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 được gửi Quốc hội, Kỳ họp thứ Tư tới.

Tham nhũng là vấn đề lớn, do đó kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng luôn là vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm. Thời gian qua, các cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm... Với con số khởi tố hơn 1.200 bị can liên quan đến tham nhũng và chức vụ trong năm 2022 cho thấy sự vào cuộc kịp thời các cơ quan chức năng, điều này góp phần không nhỏ vào thành công của công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

Từ thực tế xử lý vụ án tham nhũng cho thấy, tình trạng tham nhũng càng ngày càng phức tạp. Tham nhũng không chỉ khu trú trong khu vực nhà nước mà đã có sự bắt tay rất tinh vi giữa khu vực công và tư. Đây là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng khi xử lý tham nhũng. Liên quan đến vụ án Công ty Việt Á nhiều đối tượng đã “móc ngoặc” với nhau, thậm chí từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, cán bộ các cấp. Và đau xót hơn, còn có cả sự bắt tay của cán bộ trung ương. Điều đó, cho thấy, “vòi bạch tuộc” tham nhũng đã vươn ra khỏi phạm vi khu vực nhà nước, không chỉ trong phạm vi một địa phương mà còn có sự thông đồng, “dính chàm” của nhiều cán bộ ở nhiều địa phương khác nhau.

Có rất nhiều lý do dẫn đến sự việc “móc ngoặc” này. Đó là do cơ chế kiểm soát quyền lực thực hiện có nơi hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được chú trọng đúng mức. Ngoài ra, một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình. Đáng nói là, vẫn xảy ra việc người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Tại Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 mới đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú nêu rõ nhiệm vụ của 3 tháng cuối năm, trong đó: “tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đang thực hiện: Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Trong 3 tháng cuối năm, kiểm tra, kết luận, xử lý dứt điểm đối với các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm liên quan đến vụ việc của Công ty Việt Á”. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn trong việc xử lý cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ trong năm qua tăng cho thấy tình hình tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp. Do đó, việc xử lý nghiêm minh kỷ luật, và đưa ra xét xử công khai cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực cần làm quyết liệt hơn nữa. Tuy nhiên, trong phòng, chống tham nhũng cần nhấn mạnh đến cơ chế phòng ngừa. Cần xây dựng cho được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng" bởi cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Cùng với đó, phải phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ cán bộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng". Và khi có hành vi tham nhũng xảy ra phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.

Lê Hùng