Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực. Đóng góp vào thành công này là do chúng ta đã quan tâm, chú trọng đến công tác phòng ngừa; trong đó, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến lớn. Trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số tồn tại như: thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu… Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Điều đáng nói, theo nhận định của Ủy ban Tư pháp, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn tồn tại, hạn chế, dẫn đến tình trạng văn bản được ban hành có sơ hở, bất cập, hoặc tạo ra các điều kiện, thủ tục hành chính bất hợp lý, có thể bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ.
“Rừng thủ tục hành chính” gây khó cho người dân và doanh nghiệp không còn là cá biệt. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chia sẻ trước diễn đàn Quốc hội khi “đồng chí Bí thư một vùng miền núi phía Bắc đã nắm tay tôi và cảm ơn vì chúng tôi đã giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng rừng để làm công trình đường giao thông. Đồng chí nói, có đến 24 lần thủ tục hành chính thì mới được giải quyết. Thật sự tôi rùng mình với thông tin này”.
Câu chuyện Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ chỉ là một minh chứng cho những rào cản thủ tục hành chính đang làm khó cho địa phương. Thực tế, còn nhiều thủ tục nhiêu khê khác nữa hiện đang làm khó người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được cắt bỏ. Không ít thủ tục hành chính đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân và doanh nghiệp. Và câu chuyện người dân 11 năm đi lại nhiều lần tới bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện để làm thủ tục sang tên sổ đỏ nhưng vẫn không được giải quyết mà không biết lý do được phản ánh thời gian vừa qua cũng là một minh chứng cho thấy người dân đã bị làm khó bởi những thủ tục hành chính nhiêu khê và cả sự chậm trễ của cán bộ công quyền.
Chính tình trạng một “rừng" thủ tục đã vô hình trung tiếp tay cho các cán bộ thoái hóa biến chất lợi dụng để cố tình làm khó cho người dân, doanh nghiệp. Trong không ít trường hợp, người dân, doanh nghiệp đã chấp nhận “chi phí gầm bàn” để được trôi thủ tục hành chính. Đây chính là một dạng của “tham nhũng vặt” cần phải xử lý nghiêm.
Để khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành cần thường xuyên rà soát để đơn giản, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Tăng cường số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Kiểm soát chặt việc ban hành các văn bản hướng dẫn để tránh “lọt lưới” các thủ tục hành chính mang lợi cho cơ quan quản lý, làm khó người dân. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ đối với cán bộ công chức, viên chức; xử lý nghiêm minh các cán bộ, công chức cố tình nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.