Việt Nam luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư

- Thứ Ba, 06/12/2022, 06:09 - Chia sẻ

“Chúng tôi luôn chào đón các bạn và sẽ cùng các bạn làm nên những thành công mới, coi thành công của doanh nghiệp New Zealand và các nhà đầu tư nước ngoài cũng là thành công của chính mình”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Việt Nam - New Zealand được tổ chức vào chiều 5.12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức New Zealand của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

Việt Nam luôn mở cửa chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài là điều mà người đứng đầu cơ quan lập pháp nhiều lần nhấn mạnh. Trong chuyến thăm Australia vào cuối tuần trước, phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam luôn chú trọng công tác cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, không ngừng hoàn thiện thể chế theo các chuẩn mực quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. “Chính nhờ sự cầu thị và nỗ lực như vậy nên từ một đất nước gặp rất nhiều khó khăn sau chiến tranh, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao trên 6% trong suốt 35 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thuộc Top 3 của Đông Nam Á” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc các quốc gia mở cửa, hợp tác với các nước là một xu thế tất yếu, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Khẳng định của Chủ tịch Quốc hội một lần nữa cho thấy Việt Nam luôn sẵn sàng mở cửa hợp tác với các quốc gia trên thế giới để phát triển mọi mặt trong đó có lĩnh vực kinh tế.

Là quốc gia bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, nhưng với sự chủ động vào cuộc và sáng tạo, Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành. Qua đó, giúp chúng ta đã đẩy lùi được Covid-19. Hàng loạt chính sách khác cũng được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành để hồi phục và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.

Nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kết nối 3/4 thị trường tiêu dùng của thế giới. Việt Nam đã thu hút 36.109 dự án từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với những nỗ lực đã đạt được trong thu hút đầu tư, Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong 20 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả nhất thế giới. Với những điểm sáng khá ấn tượng về kinh tế sau đại dịch, Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn.

Những "quả ngọt" này là rất đáng trân trọng và hứa hẹn sẽ tiếp tục thành công trong tương lai. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới, đặc biệt để "giữ chân" các doanh nghiệp đã từng gắn bó với Việt Nam, chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý về đầu tư đủ chặt chẽ nhưng vẫn phải bảo đảm sự thông thoáng về thủ tục. Muốn vậy, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng một cửa nhiều khóa và có thêm nhiều quy định tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Việt Nam luôn mở rộng cánh cửa, chào đón các nhà đầu tư với khung khổ pháp lý thông thoáng và minh bạch. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Các nhà đầu tư chân chính chỉ mong có môi trường đầu tư kinh doanh trong sạch, minh bạch".

Song Hà