Vì sao nhiều người không quan tâm bảo vệ dữ liệu cá nhân?

- Thứ Hai, 10/06/2024, 07:20 - Chia sẻ

Tại sự kiện Microsoft Build diễn ra vào tháng 5.2024, Microsoft giới thiệu tính năng AI (trí tuệ nhân tạo) mới mang tên Recall tích hợp vào hệ điều hành Windows 11.

Recall được kỳ vọng giúp người dùng truy xuất lịch sử các tác vụ bằng cách chụp ảnh màn hình các cửa sổ đang hoạt động vài giây một lần và lưu trữ tại thiết bị trong tối đa ba tháng. Điều này ngay lập tức khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân, trong khi đó, nhiều người Việt khá thờ ơ với vấn đề này.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ với 1.108 người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) thực hiện ngay sau sự kiện Microsoft Build 2024, hơn 61% người tham gia khảo sát không quan tâm đến việc dữ liệu cá nhân của họ bị khai thác. Chỉ khoảng 31% số người tham gia trả lời có quan tâm đến bảo vệ dữ liệu cá nhân và nhóm này thường là những người có xu hướng quan tâm đến công nghệ nói chung và AI nói riêng hơn.

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dùng không quan tâm đến vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân xuất phát từ nhận thức, tâm lý người dùng và pháp luật hiện hành. Một số người tham gia khảo sát giải thích rằng, họ đã “quen” với việc dữ liệu cá nhân bị bên thứ ba sử dụng và cảm thấy không thể kiểm soát hoặc thay đổi tình trạng hiện tại. Điều này dẫn đến xu hướng “bình thường hóa” việc dữ liệu cá nhân bị khai thác một cách tràn lan trên môi trường số. Một số khác cho rằng việc bảo vệ dữ liệu cá nhân không phải là ưu tiên hàng đầu so với các vấn đề cấp bách khác trong cuộc sống. Chỉ khi gặp sự cố hoặc liên quan đến các vụ lừa đảo trực tuyến, người dùng Internet mới lo sợ. Về mặt pháp luật, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân mới đang trong quá trình xây dựng.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm an toàn trên không gian mạng là một phần quan trọng của việc xây dựng môi trường số an toàn và bền vững. Để đạt được điều này, chúng ta cần có các quy định pháp luật rõ ràng và hiệu quả, cùng với việc tăng cường nhận thức và kỹ năng cho người dân. Quan trọng hơn hết, mỗi người cần phải biết cách bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng và biết cách phản ứng khi gặp phải các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn mạng.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần chú trọng hơn đến hoạt động tham vấn xây dựng pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân với sự phối hợp giữa 3 nhà gồm nhà nước - nhà kinh doanh (doanh nghiệp) - nhà khoa học. Cơ quan phụ trách vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, bên cạnh vai trò quản lý, nên có vai trò tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực thi quy định thông qua việc ban hành các bộ quy tắc, hướng dẫn thực thi.

Ngoài ra, các nhà lập pháp nên xem xét đẩy mạnh các chương trình trang bị nhận thức về công nghệ số và kỹ năng tương tác trên môi trường số cho toàn dân, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ nói chung và AI nói riêng đang thay đổi nhanh chóng từng ngày như hiện nay.

Trần Anh Thơ - Nguyễn Lan Phương

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

#