Chính sách và cuộc sống

Trao “cần câu” cho người nghèo

- Thứ Tư, 26/10/2022, 10:03 - Chia sẻ

Tỉnh An Giang đề cao chủ trương trao "cần câu" chứ không trao "con cá", khuyến khích người dân tự thoát nghèo.  

Tập trung giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tại An Giang, hộ nghèo, hộ cận nghèo sống tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khmer, đông nhất ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và An Phú. Tính đến cuối năm 2020, địa phương có số hộ nghèo cao nhất là huyện Tri Tôn với hơn 2.300 hộ, kế đến là huyện An Phú gần 1.600 hộ. Huyện Tri Tôn cũng là địa phương có số hộ cận nghèo cao nhất tỉnh với gần 3.400 hộ, tiếp theo là thị xã Tân Châu với hơn 3.700 hộ và huyện Thoại Sơn hơn 2.900 hộ. Toàn tỉnh An Giang còn 4 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên, trong đó huyện Tri Tôn có 3 xã (Núi Tô, An Tức, Lê Trì) và huyện Tịnh Biên có xã Văn Giáo.

Trao “cần câu” cho người nghèo -1
Thăm hỏi và chia sẻ với người dân để tìm cách giúp bà con thoát nghèo. Ảnh: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội An Giang cung cấp

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2020, An Giang đã giải ngân cho gần 30.000 hộ vay với số tiền trên 900 tỷ đồng, trong đó có gần 2.400 hộ nghèo, gần 7.300 hộ cận nghèo và gần 3.900 hộ mới thoát nghèo. Tỉnh cũng hỗ trợ, cấp gần 730 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, người dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện miễn giảm học phí và các chi phí khác cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số...

Tỉnh cũng đã đầu tư 75 công trình ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, với kinh phí gần 26 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng 5 mô hình giảm nghèo. Năm 2021, tỉnh đã đầu tư hơn 30,5 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã biên giới.

Đối thoại để lắng nghe mong muốn của người dân

Tỷ lệ hộ nghèo ở An Giang giảm qua từng năm. Đời sống các hộ nghèo ngày càng được nâng lên thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt chủ trương, chính sách của nhà nước như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; hộ nghèo được vay vốn làm ăn, hỗ trợ nhà ở, miễn giảm học phí, viện phí…

Tuy tỷ lệ hộ thoát nghèo hàng năm giảm đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, nhưng số hộ phát sinh nghèo mới vẫn còn, đa số hộ thoát nghèo thuộc chuẩn cận nghèo. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tốc độ giảm không đồng đều, một số nơi tỷ lệ hộ nghèo giảm chậm.

Trao “cần câu” cho người nghèo -0

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội An Giang Châu Văn Ly chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều hộ nghèo và cận nghèo chưa thoát được vòng lẩn quẩn. Đó là trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung còn thấp, điểm xuất phát về kinh tế - xã hội thấp, ít cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ, phúc lợi xã hội và nền kinh tế thị trường. Nhiều người còn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa chủ động phát huy hết nội lực, cố gắng vươn lên thoát nghèo. Tình trạng sinh đẻ không có kế hoạch còn nhiều, dẫn đến thiếu đất canh tác, thiếu nhà ở. Giá cả nông sản bấp bênh, thỉnh thoảng còn gặp thiên tai, bão lụt, phong tục. Tập quán lạc hậu, các lễ hội diễn ra nhiều ngày, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc.

Để công tác giảm nghèo hiệu quả, tỉnh An Giang đã xây dựng giải pháp tổng thể, từ xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, đề ra mục tiêu cần đạt trong từng giai đoạn, trên cơ sở đó có giải pháp tác động giảm nghèo, bao gồm hệ thống chính sách giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá.

Ông Ly cũng cho biết, tỉnh sẽ đối thoại với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó áp dụng phù hợp các khung chính sách, chuyển từ hỗ trợ hoàn toàn sang cho vay, cho mượn, có thể ứng vốn để thúc đẩy người dân nỗ lực nhiều hơn. Thường xuyên đánh giá tác động của các chính sách để điều chỉnh phù hợp. Tăng cường hướng dẫn thực hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả để người nghèo vận dụng vào sản xuất, làm ăn, tức là trao “cần câu” để người nghèo tự “câu cá”, đồng thời tránh thất thoát, để kinh phí đến đúng đối tượng thụ hưởng.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị Trung ương xem xét ban hành quy chế điều phối, phối hợp chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó quy định cơ quan quản lý, tổng hợp chung, cơ quan chủ trì các chương trình, cơ quan chuyên môn bảo đảm chương trình được triển khai hài hòa, phù hợp và hiệu quả. 

Theo đó, mỗi đề án, mỗi chương trình được triển khai từ Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia trung ương sẽ được bộ, ngành liên quan rà soát sự phù hợp trước khi đưa về địa phương triển khai thực hiện. Bảm bảo sự phối hợp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trên cùng địa bàn, tránh tình trạng nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ dựa theo ưu tiên các xã về đích Nông thôn mới.

Có cơ chế phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để các chương trình cho vay về nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, học sinh/sinh viên… đóng góp trực tiếp cho giảm thiếu hụt các chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 và hỗ trợ các mô hình nâng cao chất lượng, sản lượng thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp. 

Vũ Châu