Tín nhiệm thấp cho bộ trưởng chậm cải cách!

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 06:03 - Chia sẻ

“Trong bối cảnh hiện nay mà doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh - đây là điều không nên có!”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nói bên hành lang Quốc hội sáng qua, 26.5. Cắt giảm thủ tục hành chính, thực thi thủ tục hiệu quả nên là thước đo tín nhiệm mà Quốc hội dành cho bộ trưởng. Bởi cải cách là trong tầm tay, không hề tốn tiền ngân sách và đó chính là thước đo năng lực uy tín của các Bộ trưởng lúc này.

“Bối cảnh hiện nay” ông Hiếu nhắc đến ở trên là diễn biến nền kinh tế kém đi rất nhanh; sức chống chịu và khả năng cầm cự của doanh nghiệp đã bị bào mòn sau đại dịch; đặc biệt, tình hình kinh tế và địa chính trị thế giới không chỉ làm sụt giảm đơn hàng mà còn dẫn đến cạnh tranh giữa các quốc gia trở nên khốc liệt hơn.

Cảm nhận của doanh nghiệp về tương lai gần tỏ ra kém lạc quan. Điều này có thể thấy qua kết quả khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tiến hành cuối tháng 4. Hơn hai phần ba doanh nghiệp được hỏi dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Điều đáng nói hơn là có tới 45,3% doanh nghiệp cho biết khó khăn, thách thức lớn nhất họ đang phải đối mặt là về thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật. Kết quả này tương đồng với đánh giá của doanh nghiệp trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá là chuyển biến tốt hoặc rất tốt về 10 chỉ số của các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đều sụt giảm so với năm trước đó.

Không thể phủ nhận quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ trong thời gian qua; nhưng cảm nhận của doanh nghiệp cho thấy những chuyển biến trên thực tế là chưa rõ ràng, kết quả chưa được như mong đợi. Thậm chí “bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, địa phương đã phát sinh ra hàng nghìn thủ tục mới” như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hay mới đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ lo ngại định mức chi phí tái chế quá cao trong dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì - điều này có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa.

Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Năm đã đề nghị các đại biểu đóng góp giải pháp, đề xuất cách làm để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh! Nếu như những khó khăn bên ngoài, khó khăn khách quan - về cầu thị trường, về diễn biến kinh tế và địa chính trị thế giới chúng ta không thể can thiệp thì cải thiện thủ tục hành chính, cải cách môi trường kinh doanh là việc “trong tầm tay” và không hề tốn kém ngân sách!

Vì vậy, Quốc hội, trong thẩm quyền của mình cần coi giám sát năng lực cải cách thủ tục hành chính, tính hiệu quả của thực thi thủ tục hành chính là công việc quan trọng lúc này. Các công việc cần ưu tiên trước mắt là đưa giám sát thủ tục hành chính vào chương trình giám sát, đồng thời tăng cường yêu cầu các bộ trưởng phụ trách ngành giải trình chất vấn về công tác thực hiện thủ tục hành chính.

Dài hạn hơn, cần gắn trách nhiệm chính trị của bộ trưởng bằng cách đưa hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính trở thành thước đo để đánh giá tín nhiệm, năng lực của bộ trưởng. Sẽ không thể coi là bộ trưởng hoàn thành nhiệm vụ và có tín nhiệm cao nếu doanh nghiệp, người dân “chấm điểm” thủ tục hành chính của bộ ngành đó thấp.

Quốc hội, hơn lúc nào hết, cần chung tay góp sức “cứu” doanh nghiệp bằng chính quyền hạn mà người dân đã ủy nhiệm cho mình.

Hà Lan