Tìm tiếng nói chung

- Thứ Bảy, 18/03/2023, 06:08 - Chia sẻ

Tìm tiếng nói chung giữa cơ quan soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và người lao động trong vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần là việc không đơn giản, dù rằng cả hai bên đều mong muốn giảm bớt được rủi ro cho lưới an sinh của người lao động khi về già.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa họp báo, giới thiệu những chính sách mới được đề xuất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Liên quan đến bảo hiểm xã hội một lần, với mục đích khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để quay lại lưới an sinh, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án. Một là giữ nguyên quy định hiện hành, cho rút bảo hiểm xã hội một lần sau 01 năm không tham gia. Hai là chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và bảo lưu 50% số năm còn lại để hưởng chế độ.

Lao động bảo lưu 50% thời gian đóng sẽ có bốn lựa chọn; nếu tiếp tục đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu. Ba lựa chọn còn lại là lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội có thể chọn đóng một lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng hoặc tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần.

Có thể thấy cơ quan soạn thảo đã cố gắng đưa ra giải pháp nhằm giữ người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội. Đây cũng là một trong những yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Bởi lẽ, nếu không ngăn được làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần hệ thống an sinh xã hội sẽ bị đe dọa.

Mặc dù vậy, tìm tiếng nói chung giữa cơ quan soạn thảo và người lao động trong vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn sẽ là vấn đề khó khăn dù cả hai bên đều mong muốn người lao động có cuộc sống tuổi già yên tâm và bảo đảm. Một khảo sát do báo VnExpress thực hiện phần nào cho thấy điều này. Trong số gần 20.000 người tham gia trả lời, có tới hơn 18.000 người (tương đương với 93%) chọn phương án 1, tức là giữ nguyên quy định hiện hành và người lao động có thể rút bảo hiểm xã hội một lần sau một năm không tham gia. Về phía cơ quan soạn thảo, tuy đề xuất 2 phương án nhưng có lẽ sẽ nghiêng hơn về phương án 2.

Có thể những người bình chọn phương án 1 chưa nắm rõ hết những chính sách mới được thiết kế để tăng sức hấp dẫn của bảo hiểm xã hội và tăng quyền lợi cho người lao động nếu ở lại với bảo hiểm xã hội. Cũng có thể, mức rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là ít quá, chưa đáp ứng được mong muốn và nhu cầu của người lao động; hoặc các chính sách giữ chân họ chưa đủ hấp dẫn. Và cũng có thể, nhiều người lao động ở trong điều kiện kinh tế khó khăn, bệnh tật, con cái cần tiền học hành… mà không thể xoay xở ở bất cứ nguồn nào khác thì rút bảo hiểm xã hội một lần là lựa chọn dễ hiểu. Dù sao họ cũng phải sống qua ngày hôm nay đã, và rút bảo hiểm một lần chắc chắn là lựa chọn tốt hơn so với tín dụng đen.

Giữ người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội là bài toán khó nhưng buộc phải tìm ra lời giải đúng, nếu chúng ta không muốn đối mặt với những bất ổn lớn hơn khi dân số đang già đi và lao động tự do ngày càng tăng. Là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần khảo sát, điều tra kỹ lưỡng để nắm bắt chính xác và khách quan tâm tư người lao động về vấn đề này. Từng chính sách đề ra phải được đánh giá tác động bằng phương pháp định lượng thay vì định tính, chung chung. Quá trình thiết kế chính sách bảo hiểm một lần cần cho người lao động thấy rõ lợi ích của họ... Thực sự là có rất nhiều việc phải làm để giữ người lao động ở lại với lưới an sinh!  

Hà Lan