Tiến tới vận hành theo thị trường

Ninh Hà 10/11/2022 06:08

Theo tờ trình Luật Giá (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền Chính phủ trình bày mới đây tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, thời gian qua, diễn biến giá mặt hàng xăng dầu phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ này.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thêm rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật Giá. Khác với các quỹ tài chính khác, Quỹ được hình thành, quản lý nhằm mục đích góp phần bình ổn giá xăng dầu, không phát sinh tổ chức bộ máy, không quản lý tập trung. Tổng mức trích lập hàng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước; tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá...

Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước; là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Thực tế, thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động, tại một số thời điểm, Quỹ đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Trải qua hơn 10 năm tồn tại, đến nay, việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Như khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi), một đại biểu Quốc hội cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu do người dân đóng góp, vai trò của Nhà nước rất mờ nhạt. Khi cần bình ổn thì xả quỹ, doanh nghiệp có lợi trong sử dụng quỹ nhưng báo cáo tài chính hàng năm về sử dụng không có; tính minh bạch không có, cho nên cần làm rõ sự cần thiết phải có hay không cần có quỹ, để thị trường điều tiết. Nếu vẫn có, cần công khai, minh bạch định kỳ để người dân giám sát.

Tán thành với quan điểm này, một đại biểu Quốc hội khác phân tích, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá trong bối cảnh hiện nay có nên giữ và tiếp tục duy trì quỹ hay không vì thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt có thể sẽ điều chỉnh. Nếu điều chỉnh chính sách về thuế thì nên xem lại việc duy trì và cách thức vận hành quỹ. Và trong tương lai gần nên cân nhắc vì phi thị trường và dù tồn tại nhưng tác động của quỹ không hề lớn. Khi nguồn cung không bảo đảm, quỹ cũng không giải quyết được vấn đề...

Thực tế, đã có nhiều ý kiến kiến nghị cần xem xét, nghiên cứu xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá, để giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thế giới. Hay trong Báo cáo số 463 của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quỹ tài chính ngoài Ngân sách Nhà nước dù chưa kiến nghị bỏ nhưng cũng nêu Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn phù hợp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới vẫn có những biến động khó lường, khi thị trường xăng dầu nước ta vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước. Hơn nữa, việc quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu còn khá dài, lượng dự trữ còn mỏng... nên chưa bỏ Quỹ là hợp lý, nhưng cần đổi mới theo hướng duy trì có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường. Đặc biệt, việc điều hành cần linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tiến tới vận hành theo thị trường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO