Hiện nhiều nước đã thiết lập thị trường carbon, từng bước hình thành hàng rào kỹ thuật, chính sách thuế liên quan đến carbon đối với hàng hóa nhập khẩu nên với tiềm năng lớn Việt Nam không thể đứng ngoài. Phải xác định mô hình, tổ chức, hoạt động, quản lý của thị trường carbon bài bản đồng bộ, chặt chẽ ngay từ đầu.
Theo số liệu thống kê, nước ta hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là các khách hàng sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.
Còn theo báo cáo hồi tháng 3.2023 của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), tính đến tháng 11.2022, nước ta có 276 dự án với khoảng gần 30 triệu tín chỉ carbon đã được chứng nhận từ các dự án tín chỉ carbon theo Cơ chế phát triển sạch - Clean Development Mechanism (CDM). Nhiều dự án liên quan đến tín chỉ carbon với các tiêu chuẩn quốc tế khác nhau cũng đã được phát triển.
Thực tế, việc mua, bán tín chỉ carbon của nước ta với thế giới theo hình thức tự nguyện đã được triển khai từ những năm 2000. Hiện đã có hơn 300 chương trình, dự án đã đăng ký thực hiện các giao dịch mua, bán, bù trừ tín chỉ carbon, trong đó có trên 150 dự án đã được cấp hơn 40 triệu tín chỉ carbon và thực hiện giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon thế giới. Việt Nam cũng là một trong số bốn quốc gia có các dự án CDM đăng ký nhiều nhất và đứng thứ 9/80 nước có nhiều dự án CDM được công nhận và cấp tín chỉ carbon.
Hơn nữa, nước ta đang hướng tới mục tiêu dẫn đầu khu vực trong hoạt động giao dịch tín chỉ carbon theo thông lệ quốc tế trong Thỏa thuận Paris và thực hiện “Net Zero” vào năm 2050. Do đó, việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon là một trong những giải pháp hữu hiệu để tạo động lực cho doanh nghiệp hành động nhằm góp phần giảm thiểu phát thải, cắt giảm lượng khí thải, hướng tới chuyển đổi, sử dụng các công nghệ xanh, sạch, gia tăng năng lực cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu.
Để thực hiện được các mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó, từ năm 2025, sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đến hết năm 2027, sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Từ năm 2028 sẽ chính thức tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trên phạm vi toàn cầu.
Kế hoạch là vậy, nhưng để có thể xây dựng thị trường carbon, thị trường mà theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thì là cuộc chơi mới, ở đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giảm phát thải, tăng hấp thụ khí carbon sẽ được chi trả từ tiền bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon thì trước tiên Nhà nước phải tạo sân chơi, luật chơi, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành và có phân kỳ thí điểm.
Tiếp đó là phải hoàn thiện các quy phạm, quy chuẩn mang tính kỹ thuật liên quan đến cơ chế giao dịch, bảo đảm phù hợp, liên thông với các quy định, quy chuẩn quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Xây dựng cơ chế vận hành, quản lý thị trường, bao gồm các sàn giao dịch nhằm thống nhất công tác quản lý của Nhà nước cũng như hệ thống đăng ký nhằm quản lý lượng tín chỉ carbon.
Có bộ công cụ định giá carbon tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế. Có hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon, các định mức phát thải đối với từng đơn vị, chủng loại sản phẩm cho các loại hình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các bên tham gia thị trường tiếp cận thông tin, phương thức giao dịch để chủ động, sẵn sàng gia nhập thị trường.