Cụ thể, trong 6 tháng qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Cùng với đó, ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 71.431 tỷ đồng và 24,9ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 856 tập thể, 3.862 cá nhân (tăng 72 tập thể, 950 cá nhân so với cùng kỳ năm 2023).
Cũng trong nửa đầu năm, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, công tác điều tra, truy tố, xét xử; phát hiện, xử lý nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục được đẩy mạnh. Cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án với 5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với cùng kỳ năm 2023).
Đây là những con số Ban Nội chính cung cấp trong cuộc gặp gỡ báo chí, thông báo về phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 14.8. Rõ ràng là, chủ trương chống tham nhũng đến cùng; không ngừng, không nghỉ; không có vùng cấm, không có ngoại lệ của Đảng đã biến thành hành động và mang lại kết quả cụ thể, qua đó củng cố vững chắc hơn niềm tin của người dân vào Đảng. Hơn lúc nào hết, người dân tin rằng, không một ai - dù là lãnh đạo ở cấp cao nhất - có thể đứng trên kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Cũng trong phiên họp vừa qua của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Cụ thể là tập trung hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; thanh toán không dùng tiền mặt… Cùng với đó, khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.
Có thể nói, đây là một ưu tiên hết sức xác đáng để đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bước sang một giai đoạn mới, tiến bộ hơn và toàn diện hơn. Bởi lẽ, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng hiện vẫn gặp không ít thách thức, đặc biệt ở khía cạnh thể chế. Có thể kể tới những lỗ hổng của hệ thống pháp luật tạo môi trường cho tham nhũng; hoặc các quy định, hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập và công khai tài sản, thu nhập của người có chức, có quyền chưa hiệu quả như mong muốn…
Để tham nhũng không có đất sinh sôi, nảy nở; để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng thì phải hoàn thiện thể chế, pháp luật - tức là “dọn sạch mảnh đất” nơi tạo ra tham nhũng. Nếu như xử lý án có tác dụng lớn để trừng phạt và răn đe những cán bộ nhà nước có ý định vi phạm pháp luật, thì ý nghĩa lớn hơn của sửa đổi pháp luật và thể chế là để ngăn ngừa từ gốc mầm mống phát sinh tội phạm. Và với hệ thống pháp luật tường minh và kín kẽ, người ta dù có muốn, dù có những chiêu thức "tinh vi" tới đâu cũng khó mà tham nhũng hoặc sẽ nhanh chóng "lộ sáng". Có như vậy, hiệu quả và tính bền vững của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được bảo đảm.