Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với các bộ, ngành, địa phương về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách, pháp luật tại các cấp, các ngành. Kỷ luật này được siết chặt sẽ giúp việc thực hiện có hiệu quả các quy định thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Khi kỷ cương hành chính được tuân thủ, sẽ không còn chỗ cho sự làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, việc xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đã được rút ngắn, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. Điều đáng nói, công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, vẫn còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến cho có, không có chính kiến, quan điểm rõ ràng. Điều này kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Tình trạng này một lần nữa cũng được nhận định trong Báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp thứ 26. Đó là, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Câu chuyện giải quyết thủ tục hành chính vốn dĩ đã trở thành một trong những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp phàn nàn không ít thời gian qua. Cũng bởi, việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia trong giải quyết thủ tục hành chính còn vướng mắc, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, như “ma trận” đã vô hình trung để các cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa lợi dụng, làm khó người dân, doanh nghiệp để trục lợi. Những khoản tiền “lót tay” cho nhanh “trôi việc” chính là hệ lụy khi điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính chưa được giải quyết triệt để.
Để khắc phục tồn tại, trong Nghị quyết số 161/2021/QH14 Quốc hội yêu cầu, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính, Thủ tướng yêu cầu, đối với trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí nguồn lực, cơ hội của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp; không để đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Nhiều yêu cầu đã được người đứng đầu Chính phủ đặt ra. Các bộ, ngành, địa phương tuân thủ đúng các yêu cầu này, tin rằng bộ máy hành chính sẽ vận hành thông suốt, phục vụ vì dân.