Sẽ về đích sớm?

- Thứ Bảy, 03/02/2024, 08:04 - Chia sẻ

Năm nay (2024) với số vốn đầu tư công 657.000 tỷ đồng, đến giờ phút này Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ cùng các cơ quan Trung ương và địa phương tổng số vốn khoảng 97% (622.000 tỷ đồng). Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024.

Tin vui ngay trong tháng đầu năm, đó là chỉ tính trong tháng 1.2024, số giải ngân cả thuế theo số liệu của Bộ Tài chính đạt 2,58%, cao hơn so với cùng kỳ. Cùng kỳ chỉ đạt 1,8%, số giải ngân 12.800 tỷ đồng, riêng tháng 1.2024, số giải ngân đã đạt khoảng 16.900 tỷ đồng. Có thể nói, đây là tín hiệu khá lạc quan về giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 này.

Giải ngân vốn đầu tư công luôn là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm thời gian qua. Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công nếu được các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai thực hiện kịp thời sẽ phát huy được hiệu quả nguồn vốn. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tiếc rằng, dù đã được quan tâm, dù đã có những giải pháp nhưng tình trạng chậm giải ngân đầu tư công vẫn xảy ra. Trên diễn đàn Quốc hội, chậm giải ngân vốn đầu tư công luôn được các đại biểu Quốc hội đề cập trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hay các phiên chất vấn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan. Và việc chậm giải ngân này được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các công trình, dự án chậm về đích, gây nên sự lãng phí không nhỏ.

Điều đáng nói, cùng một khung khổ, thể chế như nhau nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân về đích đúng hạn, phát huy được hiệu quả nguồn vốn. Trong khi đó, có bộ, ngành, địa phương thì phải chạy “hụt hơi” nhưng vẫn không về được đích theo đúng yêu cầu.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã nêu rõ, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn. Cùng với đó, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan có giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, không để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Không chỉ là giao nhiệm vụ, nhiều cơ chế chính sách đặc thù cũng được Quốc hội thông qua để tháo gỡ những khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Điều đó cho thấy Quốc hội luôn đồng hành cùng với Chính phủ trong các quyết sách để phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề lúc này là Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện các chủ trương, các chính sách một cách hiệu quả. Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt gắn chặt trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công; theo đó, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm tiến độ giải ngân, cũng như gây lãng phí nguồn lực nhà nước.

Với những kết quả tích cực, bắt tay triển khai ngay từ những ngày đầu năm, tin rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 sẽ về đích sớm.

Song Hà