Những con số và cam kết hành động!

- Chủ Nhật, 10/03/2024, 07:22 - Chia sẻ

Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã kết thúc nhưng dư âm đặc biệt của hội nghị vẫn còn đọng lại. Đó là những con số mà như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là “Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất kỳ công, đã thống kê rất cụ thể hơn 400 nội dung chi tiết gắn với từng tổ chức, đơn vị, cơ quan và thời hạn để quy định chi tiết các luật và nghị quyết”, và cả cam kết quyết tâm hành động của những người trong cuộc!

Nhiều ý kiến cho rằng, Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết được cử tri, Nhân dân và những người trong cuộc quan tâm đặc biệt và đánh giá cao, bởi từ diễn đàn này đã đưa ra được những “con số biết nói”.

Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng về: đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; tài nguyên nước; viễn thông; các tổ chức tín dụng; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Đây là những đạo luật, nghị quyết quan trọng tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, trong đó, số lượng nội dung luật giao Chính phủ, các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn thi hành nhiều. Đơn cử, Luật Đất đai có 104 nội dung Luật giao Chính phủ, các bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đối với Luật Các tổ chức tín dụng, có tới 102 nội dung cần hướng dẫn, trong đó, 19 nội dung Luật giao Chính phủ quy định, 1 nội dung giao Thủ tướng Chính phủ quy định và 82 nội dung giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định. Ngoài ra Luật Nhà ở có 64 nội dung; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu có 3 nội dung… cần có văn bản quy định chi tiết.

Những con số nêu trên cho thấy, khối lượng công việc mà Chính phủ, bộ, ngành phải bắt tay thực hiện để triển khai thi hành luật, nghị quyết là rất lớn, đòi hỏi phải có sự chủ động, quyết tâm cao thì mới đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Có một điều rất mừng, mà như nhận định của nhiều ý kiến đại biểu, chuyên gia, đó là sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thúc đẩy tiến độ triển khai để luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống đã lan tỏa sang Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan. Trên cơ sở kết quả các Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã rất chủ động sát sao, ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, xác định rõ tên văn bản, nội dung giao quy định chi tiết, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp và thời hạn trình, ban hành văn bản.

Để thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao trong các luật, nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản. Trong đó, có 29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư. Đến nay, các bộ được giao chủ trì soạn thảo đang tiến hành triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với quyết tâm cao nhằm bảo đảm về tiến độ và chất lượng các văn bản quy định chi tiết. Điều này cho thấy, các bộ, ngành đã thực sự chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ khi chủ trì, phối hợp xây dựng văn bản quy định chi tiết.   

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vừa qua, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội, trong các nhiệm vụ, giải pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ “Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật”. Đây có thể coi là một cam kết hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai thi hành luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành.

Tin rằng, với sự “rất kỳ công” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với “cẩm nang” nêu rõ 400 nội dung chi tiết gắn với từng tổ chức, đơn vị, cơ quan và thời hạn để quy định chi tiết các luật và nghị quyết, cùng với cam kết hành động của Chính phủ, công tác triển khai thi hành pháp luật sẽ ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Hà An
#