Nguồn “oxy” trợ giúp doanh nghiệp

- Thứ Tư, 03/04/2024, 07:10 - Chia sẻ

Theo chương trình, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo luật đã bổ sung quy định xem xét miễn, giảm kinh phí công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 29 dự thảo luật quy định: “Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều này thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng”, (điểm b, khoản 1, điều 29 dự thảo luật quy định: kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động - PV).

Hơn 10 năm triển khai Luật Công đoàn cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, thì quy định về thu kinh phí công đoàn chưa đảm bảo tính “chia sẻ” với doanh nghiệp trong bối cảnh gặp khó khăn. Thời gian qua, cùng với chính sách giảm thuế và tạm dừng đóng Quỹ bảo hiểm xã hội, vấn đề giảm mức đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được đặt ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh. Tiếc rằng, việc thực hiện “chia sẻ” với doanh nghiệp lại bị gặp khó, bởi Luật Công đoàn 2012 không quy định vấn đề này nên việc miễn, giảm kinh phí công đoàn không thể triển khai trong thực tiễn.

Không thể phủ nhận, việc quy định miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn như dự thảo luật sẽ dẫn đến giảm số thu kinh phí công đoàn. Và điều này có thể ảnh hưởng đến việc chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, người lao động. Bên cạnh bị giảm thu nhập do mất việc làm, giảm giờ làm, đoàn viên, người lao động còn bị giảm các khoản được chăm lo, bảo vệ, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra, quy định này có thể mang đến nhiều tác động tích cực. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định xem xét miễn, giảm kinh phí công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện sản xuất, kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp. Quy định này cũng đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã có những kiến nghị để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh và một trong những kiến nghị cụ thể là đề nghị được xem xét miễn, giảm đóng phí công đoàn.

Bên cạnh đó, việc giảm đóng kinh phí công đoàn cũng gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện đúng hơn các quy định pháp luật của Nhà nước, hạn chế các hoạt động trốn, lách đóng kinh phí công đoàn. Ngoài ra, việc quy định miễn, giảm kinh phí công đoàn cùng với các chính sách miễn giảm thuế khi doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Mức giảm kinh phí công đoàn như nguồn "oxy" trợ giúp doanh nghiệp lúc khó khăn, duy trì sự tồn tại, giảm số doanh nghiệp bị đào thải khỏi thị trường, bảo vệ việc làm cho người lao động. Từ đó, tăng khả năng tích tụ nguồn vốn cho mục đích tái đầu tư khôi phục sản xuất kinh doanh.

Là tổ chức gắn bó với người lao động và cộng đồng doanh nghiệp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, “đây cũng chính là giải pháp để tổ chức Công đoàn Việt Nam chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ”. Tuy nhiên, với một quy định mới, chúng ta cần phân tích, cân, đong, đo đếm một cách thấu đáo về những tác động tích cực và cả những tác động không mong muốn từ việc bổ sung quy định này. Và quy định miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn khi doanh nghiệp gặp khó khăn không phải là ngoại lệ.

Ở thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, đình trệ, tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì bất kỳ chính sách hỗ trợ nào cũng rất đáng quý. Việc miễn, giảm đóng phí công đoàn đối với doanh nghiệp đang lâm vào cảnh gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn là điều mà doanh nghiệp rất mong muốn.

Cần thiết là vậy, nhân văn là vậy nhưng kinh phí công đoàn là một khoản thu có tính bắt buộc để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, về lâu dài bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Do đó, cùng với việc xem xét miễn, giảm kinh phí công đoàn cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ và minh bạch, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trốn đóng, chậm đóng kinh phí công đoàn, cũng như tránh chính sách hỗ trợ “nhầm” đối tượng.

Hà An
#