Nguồn cung còn quá hạn chế

- Thứ Tư, 15/03/2023, 06:45 - Chia sẻ

Theo số liệu công bố tại Hội nghị Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2018 đến tháng 9.2022, chỉ có vỏn vẹn 310 trường hợp tiếp cận được chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.

Cung cấp thêm cái nhìn về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, Sở đã xét duyệt cho 18.141 trường hợp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Có 17.632 trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách tại các dự án đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách và 509 trường hợp thuộc các dự án vốn ngân sách.

Với chương trình cho vay nhà ở xã hội, từ năm 2018 đến ngày 30.9.2022, doanh số cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố là gần 118 tỷ đồng với 252 khách vay; cho vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở là 32,2 tỷ đồng với 58 khách. Đến tháng 9.2022, Chi nhánh đã thu nợ được 29,5 tỷ đồng; dư nợ của chương trình còn 125,5 tỷ đồng, chưa phát sinh nợ quá hạn.

Thực tế có cung, có cầu nhưng cung - cầu khó "gặp" nhau trong việc vay và cho vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chắc chắn không chỉ diễn ra ở riêng TP. Hồ Chí Minh mà đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương khác, nhất là tại các thành phố lớn. Như thừa nhận của ông Khiết, tỷ lệ người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội so với người được vay ưu đãi có sự chênh lệch khá lớn. Nên câu hỏi đặt ra là tại sao ngân hàng sẵn vốn, người dân có nhu cầu nhưng lại không thể cho vay và không vay được?

Câu trả lời, theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh là do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội giá rẻ để đáp ứng điều kiện. Còn vì sao thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Huỳnh Thanh Khiết là bởi có những vướng mắc về thủ tục đầu tư dẫn đến chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia...

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước thì cho biết, dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội chỉ chiếm 0,71% tổng dư nợ tín dụng bất động sản do thời gian qua, nguồn cung nhà ở phân khúc này còn thấp. Do các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai cho vay đối với nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP vì chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất.

Ngoài những lý do trên, khó khăn lớn nhất khi cho vay nhà ở xã hội là nguồn vốn các chương trình còn hạn chế, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình; nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn.

Những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang hiện hữu. Khó khăn về nguồn vốn cũng cần sớm được tháo gỡ. Bởi vậy, Nghị quyết số 33 của Chính phủ ban hành vừa qua đã xác định đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung, dài hạn của các địa phương.

Sẽ có 4 ngân hàng là chủ lực trong việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân để tạo nguồn vốn cho các chủ đầu tư người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Thế nhưng, ngoài việc có vốn, những khó khăn về giao đất; quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội cũng phải được đồng thời tháo gỡ.

Ninh Hà