Nghĩ về năng lực nội sinh

- Thứ Hai, 18/09/2023, 05:23 - Chia sẻ

Ngày mai, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 do Ủy ban Kinh tế chủ trì tổ chức với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Nguồn lực nội sinh là sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia, được cấu thành từ sức mạnh cứng - là trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, dân số và nguồn lao động, tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, an ninh,… và sức mạnh mềm - là thể chế chính trị, truyền thống lịch sử - văn hóa, sức sáng tạo của con người, hệ giá trị và chính sách của quốc gia… Một quốc gia nếu nội lực yếu kém thì những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập và rất khó chống đỡ. Ngược lại, nội lực mạnh mẽ sẽ giúp quốc gia đó vượt qua mọi khó khăn và tiến tới thịnh vượng. Vì thế củng cố nguồn lực nội sinh và phát huy sức mạnh nội lực luôn là một lựa chọn xác đáng với bất kỳ quốc gia nào.

“Tăng cường năng lực nội sinh” là yêu cầu cấp thiết với nước ta hiện nay. Qua 3 thập kỷ cải cách và mở cửa, Đổi Mới đã đưa Việt Nam từ vị thế một nước nghèo, được nhận biết qua cuộc chiến tranh giành độc lập, từng bước trở thành một nền kinh tế đang trỗi dậy và đặt mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù tiềm năng rất lớn nhưng con đường phía trước vẫn đầy thách thức bởi những điểm yếu về chất lượng hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng thể chế - những yếu tố quan trọng tạo nên năng lực nội sinh của nước ta.

Nhìn ra bên ngoài, diễn biến kinh tế thế giới, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu… ngày càng phức tạp và khó lường. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã đảo lộn toàn bộ đời sống kinh tế xã hội toàn cầu, cũng đồng thời thúc đẩy tăng tốc các xu thế gồm đổi mới công nghệ; cấu trúc lại chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, không có lựa chọn nào tốt hơn là phải củng cố, vun đắp và tăng lên sức mạnh nội sinh của đất nước để ứng phó nhanh hơn, hiệu quả hơn với các biến động, rủi ro có thể xảy ra và đặc biệt là hiện thực hóa các cơ hội trước mắt.

Chẳng hạn, mới đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Bên cạnh đó, 5 năm qua, Trung Quốc trỗi dậy và trở thành một siêu cường mới. Cạnh tranh Trung - Mỹ đặt ra những thách thức mới về phát triển kinh tế và an ninh toàn cầu. Hoa Kỳ và các nước đồng minh đang quyết liệt thúc đẩy dịch chuyển chuỗi cung ứng và mô hình đầu tư, mà mới nhất là chiến lược "friend-shoring" - đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, để tránh sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh. Các chuyến viếng thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh gần đây cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang thực sự quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Nhưng, để tận dụng cơ hội này, Việt Nam trước hết phải nỗ lực bảo đảm chất lượng hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực.

Một mặt khác, Trung Quốc cũng đang trải qua những biến động cần được quan tâm sát sao. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục sau đại dịch Covid, trong khi đó thị trường bất động sản đổ vỡ kéo theo những rủi ro đáng quan ngại ở thị trường tài chính. Trong những năm tới, câu hỏi lớn tiếp theo là nền kinh tế Trung Quốc sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

Đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế như vậy, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm nay là sự tiếp nối của chủ đề năm trước - bên cạnh giải quyết những vấn đề trước mắt thì đều hướng tới mục tiêu dài hạn là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường nội lực của đất nước.

Các định hướng củng cố năng lực nội sinh thể hiện rõ trong các chuyên đề thảo luận tại Diễn đàn lần này, đó là “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới". Các dữ liệu thu thập được từ sự kiện sẽ là nguồn tài nguyên quý, cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ của mình; từ đó góp phần vun đắp nguồn lực nội sinh và phát huy sức mạnh nội lực quốc gia - cũng chính là kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước.

Hà Lan