Ngăn chặn “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật

- Thứ Hai, 20/03/2023, 06:05 - Chia sẻ

Kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật không chỉ có Quốc hội giám sát Chính phủ mà nhiều cơ quan, chủ thể phải cùng giám sát lẫn nhau; phải chú trọng cả quy định “phòng” và quy định “chống”, có chế tài cụ thể, rõ ràng để bảo đảm kiểm soát quyền lực hiệu quả. Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội mới đây.

Lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật gần đây được nhắc đến nhiều để nói về một dạng tham nhũng mới dù chưa được luật hóa, đó là “tham nhũng chính sách”. “Tham nhũng chính sách” rất tinh vi, nên không dễ phát hiện, được câu kết giữa những người có quyền lực với cá nhân, doanh nghiệp nhằm tạo ra các quyết định hoặc chính sách để đạt được lợi ích riêng. Chỉ cần thêm hoặc bớt một câu chữ trong quá trình xây dựng văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng có thể sẽ tạo nên những lợi ích cho một nhóm lợi ích nào đó.

Điều đáng nói là nếu sự cài cắm lợi ích tinh vi, khéo léo này không được cơ quan gác cổng (cơ quan thẩm định, thẩm tra) chặn lại sẽ vô hình trung tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho một nhóm lợi ích, không vì mục đích chung. Những “giấy phép con” ra đời gây khó cho người dân, doanh nghiệp, nhưng lại phục vụ cho lợi ích của bộ, ngành chính là hậu quả của việc chúng ta đã để lọt các quy định từ dạng tham nhũng chính sách. Đối tượng bị thiệt thòi từ các quy định được cài cắm lợi ích tinh vi, thiếu minh bạch này chính là người dân và doanh nghiệp.

Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng cài cắm lợi ích này?

Kết luận số: 19-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Để “gác cổng” tốt, không để lọt lưới các quy định được cài cắm lợi ích đòi hỏi ý thức tránh nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ tham gia xây dựng pháp luật phải biết nói không với những quy định mang lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Ngoài ra, cán bộ làm công tác này phải có chuyên môn giỏi để phát hiện và cần có bản lĩnh để “tuýt còi” các quy định có bóng dáng “lợi ích nhóm” trong quá trình thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật.  

Một yêu cầu rất quan trọng khác nữa, đó là tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch là yêu cầu rất quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách. Do đó, cần có sự phản biện nhiều chiều của các cơ quan, chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động đối với các chính sách được xây dựng. Trên cơ sở đó, cần có sự giải trình thấu đáo, thuyết phục từ cơ quan xây dựng pháp luật đối với các ý kiến góp ý xây dựng chính sách, pháp luật. Chỉ khi có sự minh bạch, sự tham gia của đông đảo các chủ thể, trong đó có vai trò của báo chí vào quá trình xây dựng chính sách sẽ giúp cho việc ban hành chính sách đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Một chính sách đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao chỉ khi được bàn “nát nước nát cái” và nhận được sự đồng thuận cao của các đối tượng góp ý, tham gia vào quá trình xây dựng chính sách.

Cần nhấn mạnh, một hệ thống pháp luật chỉ thực sự chặt chẽ, hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khi được xây dựng trên sở của sự liêm chính của những người tham gia xây dựng pháp luật. Chỉ khi có sự liêm chính, có sự kiểm soát quyền lực của các chủ thể trong quá trình xây dựng pháp luật thì mới không xảy ra tình trạng cài cắm lợi ích cục bộ trong các quy định pháp luật.

Yêu cầu đạo đức công vụ của cán bộ khi tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết nhưng sẽ là chưa đủ nếu chưa có một chế tài đối với việc để “lọt lưới” các quy định mang “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ. Do đó, đã đến lúc phải có chế tài mạnh với việc xử lý cán bộ, và người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, nhất là cơ quan gác cổng mà để xảy ra tình trạng này. Tránh tình trạng, gác cổng chặt cũng được, gác lỏng cũng chẳng sao.

Hà An