Ngăn chặn đầu cơ đất nông nghiệp
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định theo hướng mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa. Việc mở rộng đối tượng trong trường hợp này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu mới đặt ra. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ các điều kiện về tránh việc lạm dụng để chuyển nhượng, đầu cơ đất nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, thời gian qua “thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển”. Từ thực tế đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng đặt ra nhiệm vụ, giải pháp cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương.
Liên quan đến đất nông nghiệp, Luật Đất đai 2013 quy định: tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Tuy nhiên, nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW, về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Để được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tổ chức kinh tế phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải có địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất.
Như vậy, so với Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng là tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong đó có đất lúa. Việc mở rộng đối tượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật lại chưa phân biệt các loại đất nông nghiệp khác nhau được chuyển nhượng cho đối tượng là cá nhân, tổ chức không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Điều đáng nói là, dự thảo Luật hiện chỉ có quy định điều kiện đối với “tổ chức” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà chưa có quy định điều kiện đối với “cá nhân” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, việc giữ đất trồng lúa là cần thiết, là yêu cầu cần bảo vệ nghiêm nghặt nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh. Việc cho phép chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng như dự thảo Luật có thể dẫn đến tình trạng “trên diện tích đất trồng lúa sẽ có nhiều đối tượng khác nhau có quyền sử dụng đất, tiềm ẩn nguy cơ cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp thì lại đầu cơ đất, cản trở việc tích tụ, tập trung đất đai để đưa vào sản xuất, kinh doanh”. Hậu quả, doanh nghiệp có nhu cầu thật về sản xuất nông nghiệp lại phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng lại đất trồng lúa từ các cá nhân có thể với mức giá chênh lệch cao một cách.
Để khai thác hiệu quả hơn nữa đất nông nghiệp, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng là tổ chức phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, cần bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế khi có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.
Với tình hình thực tế hiện nay, việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, cần “siết” chặt các quy định đối với các đối tượng nhận chuyển nhượng. Cùng với đó, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng, ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp nhằm trục lợi, ảnh hưởng đến mục tiêu và ý nghĩa tốt đẹp của chính sách.