Không làm luật cho xong!

Hà Lan 11/11/2022 05:25

Không chạy theo tiến độ, không vì “thành tích” mà làm luật cho xong, Quốc hội đã quyết định không thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Theo Chương trình được thông qua từ đầu Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chiều 14.11. Tuy nhiên, trên cơ sở phát biểu của đại biểu trên hội trường về dự thảo Luật và báo cáo của Chính phủ, của Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ Tư để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Đề nghị này được các đại biểu Quốc hội chấp thuận và thời điểm thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được lùi lại.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là dự luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán Bộ Y tế. Suốt quá trình thảo luận và ngay tại Kỳ họp này vẫn còn có ý kiến khác nhau về những nội dung lớn. Đặc biệt, dự thảo Luật chưa xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ… Bên cạnh đó, dự thảo Luật đang giao quá nhiều vấn đề lớn nhưng chưa rõ ràng cho Chính phủ quy định chi tiết (37/121 điều) như hệ thống cơ sở y tế; xã hội hóa; chi phí giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tài chính y tế; Hội đồng Y khoa Quốc gia; công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh...

Không nóng vội thông qua khi dự luật chưa bảo đảm yêu cầu là một biểu hiện sinh động của một Quốc hội trách nhiệm, chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng công việc lên đầu. Bên cạnh đó cũng có những kinh nghiệm cần được rút ra. Dù đây là luật sửa đổi nhưng lại đụng đến những vấn đề cải cách mang tính chất cốt lõi và phức tạp như dịch vụ công, quan hệ công - tư, vai trò nhà nước - vai trò thị trường, hay triết lý tổ chức nhằm định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các vấn đề chính sách gốc rễ như vậy cần được nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng và tìm giải pháp “từ sớm, từ xa” trong quá trình soạn luật. Không rõ triết lý về các vấn đề lõi sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng các quy định cụ thể, kéo theo đó là tình trạng luật không, hoặc khó đi vào cuộc sống.

Kinh nghiệm này nên được áp dụng cho tất cả các dự thảo luật không kể sửa đổi hay ban hành mới, đặc biệt là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - vốn cũng động chạm đến quan hệ công - tư, vai trò Nhà nước - vai trò thị trường... Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Tư đã yêu cầu tách bạch rõ để đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) những quan hệ đất đai mang tính chất công và quan hệ đất đai mang tính chất tư. Tinh thần chuẩn bị "từ sớm, từ xa" mà Chủ tịch Quốc hội thường nhắc tới nếu áp vào quá trình soạn thảo luật thì hẳn là chính ở khía cạnh nghiên cứu sớm và kỹ lưỡng cho những vấn đề chính sách cốt lõi như vậy. 

Dù đã được Quốc hội nhất trí lùi thời điểm thông qua nhưng thời gian còn lại cũng không nhiều, không chỉ ngành y tế mà toàn xã hội đang trông đợi dự Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được ban hành và sớm đi vào cuộc sống. Ủy ban Xã hội và Chính phủ đang đứng trước áp lực lớn phải tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm một dự thảo chất lượng cao nhất. Các công việc lấy ý kiến chuyên gia cũng như đối tượng chịu sự tác động cần được tiếp tục tiến hành, và quan trọng nhất vẫn là tìm được giải pháp cho các vấn đề chính sách gốc rễ của dự thảo Luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không làm luật cho xong!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO