Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho biết, tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể. 9 tháng năm 2023, GDP chỉ tăng 4,24% so với cùng kỳ. Kết quả này tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho quý cuối năm, đồng thời, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trở nên hết sức khó khăn.
Theo Hệ thống các tài khoản Quốc gia của Liên Hợp Quốc, GDP được tính bằng 3 phương pháp. Với phương pháp sản xuất, GDP bao gồm tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của các ngành trong nền kinh tế và thuế sản phẩm trừ các khoản trợ cấp. Với phương pháp thu nhập, GDP được tính bằng tổng các khoản thu nhập của người lao động, thặng dư sản xuất, khấu hao tài sản cố định và thuế sản phẩm trừ trợ cấp. Tính GDP theo phương pháp chi tiêu bao gồm tiêu dùng cuối cùng (của hộ gia đình và Nhà nước), tích luỹ gộp tài sản cố định (bao gồm khấu hao tài sản cố định) và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Ở Việt Nam, Tổng cục Thống kê hàng năm công bố GDP theo 2 phương pháp sản xuất và chi tiêu. Tuy nhiên, GDP theo phương pháp sản xuất được xem như số liệu GDP chính thức. Niên giám Thống kê cho thấy, trong nhiều năm, tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất và GDP theo phương pháp chi tiêu có những năm khác nhau khá xa. Chẳng hạn, năm 2018, tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất là 9,3%, trong khi tăng trưởng GDP theo phương pháp chi tiêu là 7,5%; năm 2019, các con số này lần lượt là 8,4% và 7,4%; năm 2021 là 0,9% và 2,6%.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng về GDP theo phương pháp chi tiêu cuối cùng cho thấy, tiêu dùng cuối cùng của 9 tháng năm 2023 tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó tiêu dùng cuối cùng Nhà nước tăng 3,7% và tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng xấp xỉ 3%. Đây là mức tăng thấp nhất từ năm 2010, trừ năm Covid-19 hoành hành (năm 2020 tiêu dùng dân cư tăng 1,2%). Tích luỹ gộp tài sản tăng 3,22% - là mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 2013 đến nay. Như vậy, cả tiêu dùng cuối cùng và tích luỹ gộp tài sản đều tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung.
Vậy thì, có được mức tăng trưởng GDP ở mức 4,24% trong 9 tháng qua là do chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh có mức thâm hụt ít hơn 9 tháng năm trước. Tuy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,19%, nhưng do nhập khẩu giảm sâu hơn khá nhiều nên chệnh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ âm nhỏ hơn 9 tháng năm 2022. Nếu 9 tháng năm 2022 chênh lệch xuất nhập khẩu âm khoảng 115.000 tỷ đồng thì 9 tháng năm 2023 chỉ âm khoảng 4,6 tỷ.
Theo số liệu thống kê từ nhiều năm nay, nhập khẩu cho đầu vào sản xuất chiếm 60%, nhập khẩu cho tích luỹ gộp tài sản chiếm hơn 30% và nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng chỉ chiếm gần 10%. Như vậy khi nhập khẩu 9 tháng giảm khá sâu cũng cho thấy sản xuất đang rất khó khăn, đặc biệt ở chu kỳ sản xuất tiếp theo. Điều này cũng phần nào cho thấy, việc tăng trưởng GDP không thực sự phản ánh sức khỏe của nền kinh tế.
Để kích cầu tiêu dùng phải phụ thuộc vào thu nhập, thu nhập lại phụ thuộc vào sản xuất. Tín hiệu tốt là với nhiều nỗ lực của các bên liên quan, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến, tháng sau cao hơn tháng trước. Tính đến 21.9.2023, tăng trưởng tín dụng tăng 6,02% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao. Điều này có thể dấy lên hy vọng tăng trưởng về tiêu dùng cuối cùng và tích luỹ gộp tài sản 3 tháng cuối năm 2023 sẽ phục hồi tốt. Kéo theo đó, GDP nhìn từ phía cầu sẽ có những diễn biến lạc quan hơn!