Đối sách cho 2023!
Những số liệu kinh tế - xã hội năm 2022 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy bất chấp kinh tế thế giới gặp khó khăn, kinh tế nước ta đã phục hồi ngoạn mục và đạt được thành công “kép”: tăng trưởng cao, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Đầu năm nay, ít ai ngờ GDP cả năm có thể tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong 11 năm qua. Cũng vậy, chỉ số tiêu dùng được ghìm lại ở mức tăng 3,15% và lạm phát cơ bản bình quân cả năm tăng 2,59% là một kết quả “bất ngờ” khi cơn bão giá lương thực, xăng dầu, gas… liên tục tràn qua.
Đáng chú ý là sự phục hồi rõ nét xuất hiện ở cả ba khu vực kinh tế. Trong khi “bệ đỡ” nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng trưởng 3,36% thì khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% còn khu vực dịch vụ tăng 9,99%.
Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đều cho thấy nền kinh tế đã mạnh mẽ vượt qua khó khăn, thách thức. Dễ thấy nhất là thương mại hàng hóa với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm lập kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính thặng dư 11,2 tỷ USD, nhiều hơn năm ngoái 7,88 tỷ USD.
Ấn tượng phục hồi lớn nhất thuộc về khu vực dịch vụ, với tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Trong khi đó, như thường lệ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế, với tốc độ tăng 8,1%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng và không bị rơi vào vòng xoáy lạm phát như vậy xuất phát từ nhiều lý do. Trong đó, gốc rễ là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước; các quyết sách phù hợp, chủ động của Quốc hội - mà đặc biệt là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử, quyết sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% của Quốc hội đã mang lại “tác dụng kép”. Một mặt, giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động; mặt khác góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Nếu như ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mang lại tác động trực tiếp và nhanh chóng, thì việc Quốc hội quyết định dành gần 1/3 gói hỗ trợ phục hồi trị giá 350 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho kết cấu hạ tầng một mặt tạo việc làm trong ngắn hạn, mặt khác mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững trong dài hạn của đất nước. Kèm theo đó, Quốc hội cho phép Chính phủ áp dụng một loạt cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Hàng loạt công trình, dự án quan trọng chuẩn bị khởi công là một minh chứng.
Tuy nhiên, lắng lại niềm vui về sự phục hồi ngoạn mục, năm 2023 đang chờ đón nền kinh tế Việt Nam với nhiều thách thức cả từ bên ngoài và bên trong.
Dự báo của nhiều tổ chức cho rằng thế giới sẽ bước vào thời kỳ suy thoái trong năm 2023 do hệ lụy của việc tăng lãi suất để chống lạm phát ở nhiều nước. Nửa cuối năm 2022, nước ta đã chứng kiến cầu ở nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm sút. Kéo theo đó, đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất. Khó khăn này nhiều khả năng sẽ nhiều hơn trong năm 2023, gây sức ép lên nền kinh tế có độ mở rất lớn của nước ta. Rất có thể, đây mới là điểm cần chú ý hơn cả trong năm 2023 để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và công nhân kịp thời, chứ không phải sự lên xuống thất thường của thị trường chứng khoán hay sự bế tắc của thị trường bất động sản.
Và khi xuất khẩu - một động lực tăng trưởng quan trọng bị ảnh hưởng, để vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, kinh tế Việt Nam phải trông chờ nhiều hơn vào động lực đầu tư công. Năm 2023 có tới hơn 700.000 tỷ đồng đầu tư công được đưa vào nền kinh tế nhưng nút thắt giải ngân vẫn chưa được tháo gỡ. Vì thế, Chính phủ nên ưu tiên cho đầu tư công! Cụ thể là lập các tổ công tác liên bộ rà soát các quy định thủ tục liên quan đến đất đai và xây dựng của doanh nghiệp và tính tới cách tiếp cận "một luật sửa nhiều luật" để nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp. Trên nền tảng đó, việc quay trở lại với ưu tiên và đi sâu vào cải cách các thể chế cho kinh tế thị trường cần phải là công việc trọng yếu, tạo nền tảng cho phát triển dài hạn.