Do cách tiếp cận cũ?

- Thứ Năm, 09/06/2022, 05:00 - Chia sẻ

Bắt đầu thí điểm thực hiện chính sách thu hút nhân tài từ năm 2014 tại 4 cơ quan nghiên cứu, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút 19 chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc.

Đến năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định 17 với nhiều thay đổi nhưng theo Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, chương trình thu hút chuyên gia trong 3 năm qua có kết quả chưa như mong đợi. Cơ chế tài chính chỉ hơn 10 triệu đồng sẽ không ai làm, có chuyên gia có thể phải trả hàng chục nghìn USD hoặc nhiều hơn. Và cách tiếp cận còn hơi cũ.

Nhấn mạnh về điều này, ông Mãi cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều chuyên gia chất lượng cao nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng. Người tài sẵn sàng cống hiến không chỉ vì vật chất như lương bổng, nhà ở, mà còn quan tâm tới yếu tố tinh thần. Do đó ngoài các chế độ về vật chất, thành phố cần có cơ chế ghi nhận sự đóng góp, tưởng thưởng để nâng cao chất lượng tư vấn, nghiên cứu...

Thực tế, từ tháng 7.2019, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 17 về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2022. Trong đó về cơ chế, chính sách có nêu người có tài năng đặc biệt được hưởng mức hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng theo năng lực, thành tích cá nhân đã đạt được từ 30 triệu đồng/người/tháng đến 50 triệu đồng/người/tháng...

Bên cạnh đó, người có tài năng đặc biệt còn được hỗ trợ về nhà ở công vụ hoặc được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà. Kinh phí tổ chức tuyển chọn và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với người có tài năng đặc biệt do ngân sách thành phố chi trả. Tuy nhiên, cho đến khi Quyết định 17 sắp hết hiệu lực, mới chỉ thu hút được một người và không có thêm nhân tài mới...

Lý giải cho "thất bại" này, nhiều ý kiến cho rằng, không phải cứ trả nhiều tiền sẽ thu hút được chuyên gia vì họ cống hiến không chỉ vì tài chính mà điều đặc biệt quan trọng là bằng các quyết sách, chủ trương… Cụ thể, bất cập nhất hiện nay là thủ tục tuyển chọn rườm rà, qua nhiều bước, đặc biệt là việc chuyên gia phải đến báo cáo, thể hiện năng lực, phỏng vấn - rất không hợp lý vì chuyên gia thường là người thành công, đã có danh tiếng nhất định nên phải báo cáo, thể hiện năng lực là không cần thiết.

Đại diện Sở Nội vụ - cơ quan tham mưu chính sách thu hút chuyên gia cho thành phố thì thừa nhận, việc chưa mời gọi được người tài do một số cơ quan thiếu kinh nghiệm và chưa chuẩn bị đầy đủ giải pháp nên chưa tạo sức hút với nhà khoa học ở trong cũng như ngoài nước. Ngoài ra, các chuyên gia có nhiều cơ hội nên thường ưu tiên lựa chọn các viện nghiên cứu, đại học, tổ chức tại các quốc gia tiên tiến, nên để thu hút, đòi hỏi thành phố phải cải thiện hình ảnh, tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học, công nghệ đủ hấp dẫn để mời gọi người tài.

Chương trình thu hút nhân tài của không chỉ TP. Hồ Chí Minh là chủ trương hay, đầy đủ nhưng với những gì đang diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ, cần đánh giá kết quả thực tiễn để đề xuất chính sách phù hợp nhằm thu hút chất xám, xứng đáng với công sức chuyên gia, nhà khoa học bỏ ra. Ít nhất cũng phải bảo đảm cuộc sống, nếu không sẽ khó thu hút, khó tuyển và cũng khó giữ chân họ - bà Lệ nhấn mạnh.

Ninh Hà