Dân chủ cơ sở trên môi trường số

- Thứ Hai, 07/11/2022, 05:57 - Chia sẻ

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua trong Kỳ họp thứ Tư này. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi số rất mạnh mẽ với mức độ số hóa xã hội cao, điều cần quan tâm là làm thế nào tận dụng những lợi thế của chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chuyển đổi số có thể giúp tạo ra bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính; thu hẹp khoảng cách giao tiếp, tương tác giữa người dân và chính quyền địa phương, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, những lợi thế này có vẻ đang bị “phí phạm”. Theo thống kê từ We are social, 97,6% dân số Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh và mức độ phổ cập Internet là 70,3% song chỉ dưới 1% số người được hỏi đã sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia để thực hiện dịch vụ công, theo kết quả khảo sát Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) 2021.

Thực hành dân chủ cơ sở trên môi trường số không hoàn toàn mới mà đã có một số quy định. Ví dụ, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến. Nhằm thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở toàn diện hơn trên môi trường số, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (nay được thay thế bằng Nghị định số 42/2022/NĐ-CP). Theo đó, các cổng/trang thông tin điện tử cần cung cấp các chức năng tương tác với tổ chức, cá nhân như chức năng hỏi đáp và tiếp nhận thông tin phản hồi trực tuyến; cho phép tham gia xây dựng pháp luật, thực thi chính sách, pháp luật; cho phép đánh giá hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng…

Đến nay, các địa phương đều đã đầu tư cơ sở hạ tầng để bảo đảm trang thông tin điện tử có đủ chức năng tương tác với người dân nhưng hiệu quả chưa cao. Số liệu nghiên cứu về tương tác giữa chính quyền và người dân của các cổng thông tin điện tử của 63 tỉnh, thành phố do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thực hiện cho thấy, chuyên mục lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo văn bản pháp luật trên trang thông tin điện tử ở cả 63 tỉnh, thành phố đều chưa nhận được góp ý nào từ đầu năm 2022. Đối với mục hỏi đáp chính quyền - người dân, ngoại trừ một số tỉnh có thực hành tốt (ví dụ như Lào Cai), hầu như mức độ tương tác là hạn chế. Bên cạnh đó, thực hành về giám sát của Nhân dân, cho phép người dân đánh giá trực tuyến mức độ hài lòng về thông tin được cung cấp chưa được chú trọng, dẫn đến triển khai chưa đầy đủ, đồng bộ, sát sao.

Các công cụ trao quyền cho “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” trên môi trường số là để dùng chứ không chỉ là hiển thị. Để nâng cao hiệu quả thực hành dân chủ cơ sở trên môi trường số, bên cạnh việc ghi nhận các hình thức thực hiện dân chủ cơ sở trên môi trường số tại Khoản 1 Điều 12 và Khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cần làm rõ các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được áp dụng ở cả môi trường số.

Cụ thể, Luật cần trao quyền cho người dân được nhận phản hồi minh bạch, trực tuyến đối với đề xuất, sáng kiến, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo của mình. Đồng thời, trao quyền cho người dân đánh giá, thể hiện quan điểm, sự hài lòng, và phản biện đối với phản hồi của các cơ quan hữu trách một cách trực tiếp, công khai trên các kênh tương tác của cơ quan nhà nước tại Điều 3 và Điều 5. Đối với mục Nhân dân tham gia ý kiến, Luật cần bổ sung một điều khoản về nguyên tắc xử lý, phản hồi với ý kiến Nhân dân, bảo đảm các đặc tính công khai (cả trực tiếp và trực tuyến), minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình trên cả môi trường thực và môi trường số.

Trong bối cảnh Việt Nam còn chuyển đổi số mạnh mẽ và môi trường số có rất nhiều ưu điểm để người dân thể hiện quyền dân chủ của mình một cách nhanh chóng, thuận tiện và trực tiếp, làm rõ các nguyên tắc nêu trên là rất quan trọng!

Tống Khánh Linh, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông