Cú đón đầu hợp lý

- Thứ Năm, 16/03/2023, 06:14 - Chia sẻ

Không cần đợi cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến vào tuần sau (ngày 21 - 23.3), cũng không cần đợi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng trong nước tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất điều hành. Dù không phải không có rủi ro song hành động mang tính đón đầu này là một lựa chọn hợp lý của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trong tình hình hiện nay.

Quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ hôm qua, ngày 15.3. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5% xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng giảm từ 7% xuống 6%/năm. Lãi suất tái cấp vốn được giữ nguyên ở mức 6%/năm.

Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của tổ chức tín dụng với khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) giảm từ 5,5% xuống 5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5% xuống 6%/năm.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đều "có vấn đề". Trên bình diện toàn cầu, nền kinh tế phục hồi chậm, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái và xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài. Lạm phát dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt và qua đỉnh nhưng tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nền kinh tế. Tháng 1 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay khoảng 2,9%. Kém lạc quan hơn, Ngân hàng Thế giới đưa ra con số 1,7%. Trong khi đó lạm phát lại tăng qua các kỳ dự báo. Theo IMF, lạm phát toàn cầu năm nay có thể chạm mức 6,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Ở trong nước, nền kinh tế nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu do cầu thế giới chậm lại. Các vấn đề tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa thể sớm giải quyết. Một số chỉ số kinh tế giảm so với cùng kỳ như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, khiến nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng chậm.

Trong  bối cảnh như vậy, nếu duy trì lãi suất cao, điều kiện tín dụng trong nước bị thắt chặt quá lâu, kết hợp với cầu xuất khẩu từ bên ngoài đang suy yếu có thể dẫn đến những đổ vỡ không thể cứu vãn. Ngược lại, điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành như Ngân hàng Nhà nước đã làm là bước đi phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay, đặc biệt khi lạm phát dù tiếp tục duy trì ở mức cao nhưng đã có xu hướng chậm lại trong 2 tháng đầu năm. Động thái giảm lãi suất điều hành sẽ định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với các lĩnh vực ưu tiên giảm xuống còn 5%/năm sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn.

Tất nhiên, quyết định mang tính đón đầu này cũng có rủi ro nhất định nếu lạm phát trong nước không tiếp tục giảm trong thời gian tới. Mặc dù rủi ro này rất nhỏ song Ngân hàng Nhà nước không được phép chủ quan. Bởi lẽ áp lực lạm phát trong nước gia tăng vẫn hiện hữu. Cùng với đó, lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao có thể khiến các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng cũng như neo lãi suất ở mức cao; và đặc biệt là động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong cuộc họp tới đây trước ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản.

Với một tương lai đầy bất trắc như vậy, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ càng phải theo sát tình hình, thận trọng nhưng cũng phải linh hoạt để tiếp tục có những quyết sách hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hà Lan