Luật Bảo hiểm xã hội:

“Công cụ” bảo vệ quyền lợi của người lao động

- Thứ Bảy, 30/03/2024, 06:45 - Chia sẻ

Một trong những vấn đề gây bức xúc thời gian qua đó là không ít người sử dụng lao động đã có hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm này.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Nhưng luật hiện hành lại không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Chính điều này đã dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính hoặc hình sự.

Liên quan đến khung khổ pháp lý về xử lý trốn đóng BHXH, Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động (Điều 216). Trên cơ sở đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng ban hành Nghị quyết số 05/2019/HĐTP hướng dẫn áp dụng 3 điều này. Tuy nhiên, trên thực tế, do còn có cách hiểu khác nhau, khó khăn trong xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố khác cấu thành tội phạm giữa các văn bản nên tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn xảy ra, nhưng việc xử lý vẫn gặp khó. Hành vi trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật hình sự nhưng thực tế cho thấy, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử “gần như bằng 0”. Với thực tế xử lý này mà không ít doanh nghiệp đã cố tình ngụy biện do làm ăn khó khăn nên nợ bảo hiểm chứ không phải là trốn đóng bảo hiểm.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã chỉnh lý quy định làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đặc biệt, dự thảo luật đã quy định cụ thể biện pháp xử lý vi phạm đối với việc chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, người sử dụng lao động phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội; xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người có hành vi chậm đóng bảo hiểm còn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngoài bị áp dụng biện pháp tương tự đối với hành vi chậm đóng như trên, thì người vi phạm còn bị áp dụng chế tài mạnh hơn đó là bị “truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật”.

Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về mức hình phạt đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội tùy mức độ hành vi vi phạm và hậu quả sẽ phải chịu hình phạt tù phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạt tù 2 năm đến 7 năm. Do đó, việc luật hóa quy định người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bị “truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật” trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là rất cần thiết để làm căn cứ xử lý khi xảy ra vi phạm về trốn đóng BHXH.

Việc chậm đóng, trốn đóng BHXH là thực trạng đáng lo ngại, gây bức xúc dư luận. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Việc quy định cụ thể về biện pháp xử lý đối với vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH như dự thảo luật sẽ tạo khung khổ pháp lý chặt chẽ, chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý nghiêm hành vi chậm, trốn đóng BHXH. Và đây cũng chính là “công cụ” quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Song Hà
#