Chờ đợi chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội!

- Thứ Ba, 29/11/2022, 04:39 - Chia sẻ

Hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19; xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị diễn ra ở nhiều nơi; và châu Á - Thái Bình Dương đang là tâm điểm của toàn cầu thì việc củng cố toàn diện và làm sâu sắc hơn mối quan giữa Việt Nam - Australia, Việt nam - New Zealand để cùng phát triển càng quan trọng và có ý nghĩa.

Đã từ lâu, thế kỷ XXI được nhận diện là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có dân số khổng lồ và trẻ; nguồn lực và tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế dồi dào; xã hội năng động và cởi mở. Tuy nhiên, châu Á - Thái Bình Dương đồng thời là “điểm nóng” khi nằm ở trung tâm điểm của “cạnh tranh nước lớn”, với rủi ro an ninh và bất ổn ngày càng phức tạp hơn. Vì thế, kiểm soát rủi ro và duy trì hòa bình và ổn định, để phát huy vai trò của vùng động lực kinh tế của khu vực sẽ đóng góp to lớn cho sự phát triển thịnh vượng cho người dân, không chỉ trong khu vực mà cả toàn cầu.

Trong bối cảnh như vậy càng đòi hỏi các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nỗ lực và hành động nhiều hơn để vun đắp hợp tác toàn diện các lĩnh vực, từ an ninh, quốc phòng đến tăng trưởng kinh tế, văn hóa và phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam, Australia, New Zealand cần trao đổi và chia sẻ nhiều hơn, để thống nhất những hiểu biết chung, đạt được tầm nhìn chung và gắn kết trong hành động chung để bảo vệ lợi ích quốc gia tối thượng của cả ba nước.

Xét trên bình diện đó, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đương nhiên không gói gọn trong phạm vi quan hệ nghị viện mà là đại diện lãnh đạo Đảng, đại diện quốc gia để tăng cường và phát triển thực chất quan hệ toàn diện giữa Việt Nam - Australia, Việt Nam - New Zealand.

Australia và New Zealand đều là Đối tác Chiến lược của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và hai quốc gia này đang phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên các lĩnh vực. Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Australia, Việt Nam - New Zealand vẫn tăng trưởng cao; lần lượt đạt 12 tỷ USD và 1,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 31,5% và 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hai quốc gia cũng luôn dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định.

Đặc biệt, cuối năm ngoái, Việt Nam và Australia công bố Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES), với mục tiêu trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Chiến lược này phản ánh niềm tin vào tương lai kinh tế chung của hai nước - sang năm sẽ kỷ niệm một nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao; đồng thời là một cam kết cùng nhau khôi phục kinh tế và phát triển thịnh vượng.

Trong khi đó, New Zealand và Việt Nam đều là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP). Quốc gia này cũng có quan điểm tích cực trong vấn đề Biển Đông; đóng góp hiệu quả cho hợp tác ASEAN và tiểu vùng Mekong; đặc biệt là tích cực ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Nghị trình thảo luận của lãnh đạo ba nước tại thời điểm này vì thế rất quan trọng và có ý nghĩa trong dài hạn. Không chỉ thắt chặt quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược; thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là hợp tác giữa các cơ quan lập pháp mà còn tranh thủ sự ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề chiến lược. Theo đó, ngoài các vấn đề về kinh doanh, thương mại, đầu tư vốn có nền tảng phát triển tốt đẹp; thì các vấn đề hợp tác an ninh, quốc phòng để đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông và toàn bộ khu vực là phương diện mới sẽ được đặc biệt quan tâm. Song song với đó, sự ủng hộ của Australia và New Zealand cho các vấn đề lớn của Việt Nam như ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển theo hướng xanh và bền vững cũng là nghị trình ưu tiên.

Với những ý nghĩa trên, chắc chắn có nhiều điều đáng chờ đợi từ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Australia và New Zealand, cả từ bình diện lợi ích ba quốc gia lẫn từ bình diện toàn khu vực.

Hà Lan