Chế tài thực hiện kiến nghị sau giám sát

- Chủ Nhật, 03/12/2023, 07:38 - Chia sẻ

Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát phải thực thi các kiến nghị một cách nghiêm túc, những hạn chế, vướng mắc phải được xử lý. Chế tài mạnh nhất của giám sát chính là công khai, minh bạch kết quả giám sát ra xã hội.

Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 diễn ra mới đây.

Giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội. Thực hiện tốt chức năng giám sát là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt chức năng lập pháp và chức năng quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội. Ngoài ra, hiệu quả của hoạt động giám sát sẽ tạo chuyển biến tích cực trong thực thi các chính sách đã được ban hành trên thực tế.

Trước yêu cầu đòi hỏi của cử tri, của nhân dân và thực tiễn đời sống, qua nhiều nhiệm kỳ, Quốc hội luôn luôn đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ. Một trong những đổi mới đáng chú ý của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV, đó là hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giám sát của năm tiếp theo. Chính sự chuẩn bị “từ sớm, từ xa” đã giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát thống nhất và nhận diện cụ thể những việc cần phải làm. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, cũng như hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đã tạo sự chuyển biến tích cực trên thực tế, được cử tri, nhân dân và chính cơ quan chịu sự giám sát đánh giá cao. Giám sát không phải là nhằm chỉ ra thiếu sót, tồn tại, hạn chế mà quan trọng hơn là qua đó, cơ quan giám sát giúp cơ quan quản lý thấy rõ hơn thực trạng để có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Như Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định, qua hoạt động giám sát đã cung cấp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương những thông tin có giá trị cho công tác chỉ đạo, điều hành để khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Qua các hoạt động giám sát đã phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Bên cạnh những “quả ngọt”, thì hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế. Đó là có những báo cáo giám sát lẽ ra xác định rõ trách nhiệm phải nổi bật hơn nhưng cũng vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, việc “xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân còn mờ nhạt”. Vẫn biết rằng, tình trạng này không nhiều nhưng nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động giám sát.

Chuẩn bị "từ sớm, từ xa" hoạt động giám sát là rất cần thiết để việc thực hiện bảo đảm đúng lộ trình, đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Cùng với đó, báo cáo giám sát cũng phải thẳng thắn chỉ rõ những mặt được và chưa được của cơ quan chịu sự giám sát. Các kiến nghị giám sát phải đủ “sức nặng”. Khâu nào tốt, ai làm tốt thì cần được biểu dương, lan tỏa, cơ quan, đơn vị nào làm chưa tốt cần phải được chỉ rõ trong báo cáo. Sự công khai, minh bạch thông tin này rất cần thiết, là cơ sở quan trọng để có biện pháp xử lý sau giám sát. Đây cũng là cơ sở để cử tri, nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan quản lý.

Mục đích cuối cùng của giám sát là tạo sự chuyển biến tích cực trên thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Do đó, các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở lĩnh vực phụ trách phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận giám sát. Với tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc phải có chế tài xử lý nghiêm khắc. Tránh tình trạng, kết luận giám sát được ban hành mà đối tượng chịu sự giám sát thực hiện cũng được, không thực hiện cũng chẳng sao.

Song Hà
#