Là điểm mới tiến bộ của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, EPR hướng tới mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải; đồng thời tác động thay đổi thói quen của nhà sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng khả năng sử dụng nguyên nhiên vật liệu thân thiện với môi trường, giảm rác thải nhựa, tiến đến kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ có thêm 2 trách nhiệm: tái chế sản phẩm, bao bì và thu gom, xử lý chất thải. Trong đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo lộ trình: một số sản phẩm, bao bì sẽ bắt đầu từ ngày 1.1.2024; một số sản phẩm thực hiện từ đầu năm 2025 và từ đầu năm 2027. Nhà sản xuất, nhập khẩu có quyền lựa chọn một trong hai phương án: hoặc tổ chức tái chế, hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Với trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải, doanh nghiệp phải thực hiện ngay từ ngày 1.1.2022 - thời điểm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Đây là khoản đóng góp bắt buộc đối với nhà sản xuất, nhập khẩu.
Như vậy, một tuần nữa, các nhà sản xuất, xuất khẩu sẽ phải thực thi trách nhiệm tái chế với mặt hàng bao bì, ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các văn bản pháp lý định hình hoạt động của cơ chế EPR vẫn chưa được ban hành, chưa có định mức tái chế (Fs) làm căn cứ tính giá trị khoản đóng góp. Vì vậy, các doanh nghiệp không kịp để đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.
Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 31.3 hằng năm với số tiền được tính dựa trên khối lượng sản phẩm được đưa ra của năm liền trước. Trước ngày 20.4 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế một lần vào Quỹ hoặc có thể lựa chọn nộp tiền thành hai lần: nộp tối thiểu 50% tổng số tiền trước ngày 20.4 và nộp phần còn lại trước ngày 20.10 cùng năm.
Tuy nhiên, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng EPR đã giải thích rằng, năm 2024 (năm đầu áp dụng), doanh nghiệp sẽ phải kê khai và đóng tiền từ ngày 31.3 với số tiền được tính dựa trên khối lượng sản phẩm được đưa ra năm 2023. Điều này có nghĩa doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền rất lớn từ đầu năm, nhưng hệ thống EPR chưa thể vận hành và thực hiện các hoạt động tái chế ngay lập tức. Khi đó, một khoản tiền lớn sẽ tạm thời bị đóng băng, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn, cần nguồn vốn để hoạt động.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ. Dự thảo đã bổ sung nhiều quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hoặc làm rõ phạm vi đối tượng phải thực hiện, đồng thời phân cấp giải quyết thủ tục. Các quy định này dự kiến sẽ giúp thuận lợi hóa, cải thiện nhiều thời gian và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường cho doanh nghiệp.
Liên quan đến EPR, với những băn khoăn ở trên, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc cho phép lùi lộ trình áp dụng từ 6 tháng đến 1 năm để kịp thời hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, đặc biệt khi khoản đóng góp là không hề nhỏ với rất nhiều doanh nghiệp. Về thời điểm thực hiện khoản đóng góp Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam vào năm đầu tiên, nên cho phép doanh nghiệp được nộp vào kỳ kế tiếp, tức là năm 2025, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.