Từ góc độ đại diện cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với nỗi lo của ông Bùi Sỹ Lợi khi chỉ ra một thực tế, thời gian qua, việc giải quyết tranh chấp lao động gần như là bế tắc. Minh chứng cho nhận định này là, trong số 63 tỉnh, thành phố thì đã có tới 60 địa phương thành lập hội đồng trọng tài nhưng đến nay, không có vụ án lao động nào được đưa ra hội đồng trọng tài. “Điều này chứng tỏ, quy định pháp luật đấy được gọi là quy định chết. Quy định ra nhưng không được dùng còn người lao động chỉ tìm duy nhất một giải pháp là ngừng việc tập thể, đình công và hệ quả là gây bất ổn xã hội”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Câu hỏi đặt ra là vì sao, hệ thống pháp luật của chúng ta về giải quyết tranh chấp lao động, đình công là tương đối đầy đủ nhưng lại không có một cuộc đình công nào được công nhận là hợp pháp trên thực tế? ĐBQH Trần Kim Yến (TP Hồ Chí Minh) chỉ ra nguyên nhân là vì để đưa ra một cuộc đình công hợp pháp thì phải đi qua quá nhiều thủ tục, kéo dài rất lâu. Bộ luật Lao động năm 2012 phân biệt giữa tranh chấp lao động về quyền và tranh chấp lao động về lợi ích, đi theo đó là hai quy trình xử lý tranh chấp lao động khác nhau. Nhưng trên thực tế, ranh giới giữa tranh chấp lao động về quyền và tranh chấp lao động về lợi ích lại rất gần nhau, nếu không muốn nói là rất khó phân biệt.
Trong khi đó, bức xúc của công nhân và người lao động thường là tức thời, do không tìm được tiếng nói chung với giới chủ cho những đề đạt, mong muốn và yêu cầu của mình. Công nhân không muốn và cũng không thể ngồi chờ hoàn tất các quy trình, thủ tục để được công nhận và tiến hành đình công hợp pháp mà chắc chắn sẽ lựa chọn phương án đơn giản hơn là đình công tự phát.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dù được đánh giá là tiến bộ ở nhiều nội dung nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bảo đảm việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) nhưng tiếc rằng vẫn chưa thực sự gỡ được nút thắt về giải quyết tranh chấp lao động nói chung và đình công nói riêng. Nếu vẫn quy định theo hướng tranh chấp lao động về quyền đi theo một quy trình; tranh chấp lao động về lợi ích lại đi theo một quy trình khác, cứng nhắc, rườm rà và mất rất nhiều thời gian như hiện nay thì trên thực tế, vẫn không thể làm được.
Cần nói thêm rằng, CPTPP và EVFTA là hai hiệp định tự do thế hệ mới dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm tuân thủ và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trong đó câu chuyện giải quyết tranh chấp lao động, đình công. Vì thế, tuân thủ và có cơ chế pháp lý đơn giản, minh bạch, dễ áp dụng, dễ thực hiện để bảo đảm các quyền và nguyên tắc cơ bản trong lao động được thực thi trên thực tế là nghĩa vụ của nước ta. Theo đó, phải gỡ được nút thắt trong giải quyết tranh chấp lao động, đình công hiện nay. Cơ chế pháp lý, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, đình công phải đơn giản hơn, nhanh hơn và phải tăng quyền lựa chọn, tự quyết của các bên trong quan hệ lao động. Cụ thể là, ngay sau khi phát sinh tranh chấp, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn phương thức giải quyết mà họ cho là phù hợp, có thể là thông qua hòa giải của Hòa giải viên lao động hoặc thủ tục trọng tài bởi Hội đồng trọng tài lao động hoặc xét xử của Tòa án. Với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, không nên quy định thủ tục hòa giải là một khâu bắt buộc mà ngay sau khi thương lượng tập thể không thành và phát sinh tranh chấp, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải của hòa giải viên lao động hoặc trọng tài bởi Hội đồng trọng tài lao động hoặc thực hiện các thủ tục để đình công.